Random Posts

header ads

Phượt tốc độ: 'xách' tính mạng lên và đi

(VNE) - Ai cũng có đam mê du lịch, khám phá những điểm đến mới, lạ, nhưng đặt tính mạng của mình vào những chuyến đi là điều cần lên án.

Những năm gần đây từ “phượt” đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người. Đây là một hình thức đi du lịch bằng xe máy, xe đạp, kể cả là đi bộ, không theo một hành trình cố định nào như tour của các công ty du lịch. Người đi phượt sẽ tự chủ thời gian, hành trình, ăn uống, nghỉ ngơi của chính mình.

Khó ai có thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để biết phượt bắt đầu khi nào. Chỉ biết rằng, khi những chàng trai cô gái người nước ngoài mang sau lưng chiếc balo to đùng trên những chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp các con đường, mọi miền của Việt Nam: định nghĩa phượt và trào lưu phượt cũng từ đó mà ra đời*.

Thế nhưng từ cái đẹp, văn minh ấy dần dần bị biến tướng thành các loại hình phượt khác nhau, gây nhức nhối cho những người đam mê phượt và cả xã hội. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến một loại hình biến tướng của phượt: Phượt tốc độ, và chia sẻ quan đểm cá nhân về loại hình này.

Phượt tốc độ, đi du lịch bằng đánh cược tính mạng

Điểm chung của hầu hết phượt thủ, nhóm phượt tốc độ là đều xuất phát vào đêm khuya, khi lượng xe cộ lưu thông vắng, chạy với tốc độ tối đa có thể của chiếc xe.

Thử tìm kiếm cụm từ “phượt tốc độ”, kết quả là hàng trăm video quay lại cảnh những chiếc xe lao vun vút trong đêm với tốc độ 130 – 160 km/h, thậm chí có thể lên tới 250 – 290 km/h, một tốc độ kinh hoàng.

Theo quy tắc 2 giây khi tham gia giao thông, con người cần chừng đó thời gian để tiếp nhận thông tin và đưa ra phương án xử lý.

Ví dụ với tộc độ 40 km/h, mỗi giây xe đi được 11 mét, trong điều kiện đường khô ráo, thời tiết tốt. Vậy với điều kiện tốc độ ở 120 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 xe phải là trên 130 mét mới đảm bảo thời gian tiếp nhận, xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.

Nhưng thực tế là hầu hết đoàn đi phượt tốc độ cao không giữ được khoảng cách này. Đa số đều chạy san sát nhau, nên khi xảy ra tình huống bất ngờ, tai nạn là điều không thể tránh khỏi.

Hàng chục trường hợp, hàng trăm bài báo, hàng ngàn lượt share trên các mạng xã hội về các trường hợp tai nạn thương tâm khi đi phượt tốc độ là minh chứng cho điều đó.

Với thực tế ấy, gia đình nào ủng hộ con mình giao phó tính mạng trên những chiếc xe phóng đi với tốc độ như thế? Những phượt thủ tốc độ ấy không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn cả những người xung quanh.

Đừng đặt cược tính mạng vào phượt tốc độ

Đi phượt là đi để trải nghiệm, khám phá. Chính quãng đường đi mới là điểm hấp dẫn nhất trong hành trình, nhưng với phượt tốc độ, điều này là vô nghĩa.

Bản thân tôi, từng nhận được rất nhiều lời mời đi phượt cung đường xa, cung đường gần, nhưng tất cả chuyến đi vào ban đêm, chuyến đi tốc độ cao, tôi đều từ chối dứt khoát. Lý do là vào ban đêm, khi con người không tỉnh táo, điều kiện ánh sáng không tốt, bên cạnh đó còn là những nguy hiểm rình rập như cướp, tai nạn giao thông luôn thường trực trong chuyến đi.

Đừng bao giờ đặt cược giữa tính mạng của mình và những chuyến đi. Một chuyến đi tốt sẽ là một trải nghiệm khó quên. Nhưng một chuyến đi không tốt sẽ là hậu quả khôn lường, có thể trả giá bằng những thương tật, nặng hơn là cả tính mạng của bản thân.

Một cuộc đời con người rất dài, đừng vì cái ngông cuồng tuổi trẻ, trào lưu xã hội, hay những lời rủ rê, thách đố để rồi “xách tính mạng lên và đi”.


* ĐGD: Có lẽ với một số bác (trong đó có mình), dân ta đã biết 'đi phượt' từ khi chữ 'phượt' chưa ra đời - phải không ạ?