1- Mũi Trèo, Vĩnh Kim, Vĩnh Linh.
Mũi Trèo tọa lạc tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh. Đây được xem là điểm phượt và cắm trại thú vị nhất trong tỉnh Quảng Trị vì địa thế rất đẹp. Sở hữu trong mình một bãi cát trắng dài tăm tắp, với một làn nước biển trong xanh tận đáy cho bạn thỏa thích bơi lội. Ngoài ra, thiên nhiên cũng ban tặng nơi đây một khu rừng nhỏ đủ để cho bạn tự do khám phá, một bức tường đất đỏ bazan dài bao bọc hết bờ biển được thời gian và gió biển kiến tạo nên. Và điểm nhấn cuối cùng của địa điểm này là một mũi đất nhỏ nhô ra phía biển được hầu hết các bạn chọn làm nơi check in sống ảo…
Đây được ví như Lý Sơn trên đất liền của Quảng Trị. Để đến được nơi này, nếu xuất phát từ TP Đông Hà thì bạn chạy ra đến cây xăng ngã tư Sòng, Cam Hiếu, rẽ tay phải chạy theo đường Xuyên Á về đến biển Cửa Việt, chạy theo đường ven biển ra đến Cửa Tùng. Tiếp đến đi theo đường về Khu di tích Địa Đạo Vĩnh Mốc, các bạn chạy thêm 300 - 400m gặp ngã ba. Bạn rẽ trái xuống đường bê tông chạy tiếp 1km gặp ngã 3 đầu tiên bên phải là đường đá dăm.
Bạn rẽ theo đường này đi thêm khoảng 1km bên tay phải có một đường mòn nhỏ chạy dưới tán rừng. Đi hết đường này là đến nơi (Bạn nên chú ý mới thấy được con đường nhỏ này, vì đường chạy trong rừng nên rất ẩm ướt và trơn trượt nên bạn hãy cẩn thận). Mũi Trèo là điểm có thể đi về trong ngày hoặc ở lại đêm cắm trại đốt lửa, nướng thịt… để đón ánh bình mình trên biển cũng thú vị lắm.
2- Giếng cổ Gio An, Gio Linh.
Giếng cổ Gio An, đây là hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt, có niên đại tầm 5000 năm về trước và do người Chăm sáng tạo nên. Hệ thống giếng cổ này nằm tại xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị bao gồm 14 giếng cổ gồm Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Côi, Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai thôn Hảo Sơn; Giếng Trạng, Giếng Đào ở thôn An Nha; Giếng Gái 1, Gái 2, Giếng Nậy thôn An Hướng; Giếng Máng thôn Long Sơn; Giếng Pheo thôn Tân Văn.
Hệ thống giếng cổ Gio An có 3 loại giếng riêng biệt nhau gồm: giếng Máng, giếng Ao và giếng Bi. Theo như người dân địa phương cho biết giếng nước ở đây trong vắt và có vị ngọt, mùa đông thì ấm và mùa hè lại mát. Nhiều người vẫn lấy nước giếng ở đây để dùng hàng ngày.
Hệ thống giếng cổ này nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan lớn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi.
Từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ Gio An vẫn không bao giờ cạn, vẫn trong xanh và mát lạnh.
Những hệ thống giếng này rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang ở xã Gio An. Để đến được với hệ thống giếng cổ này thì Từ TP Đông Hà di chuyển theo QL.1A qua Thị Trấn Gio Linh rẽ trái và men theo tỉnh lộ TL.75 bạn sẽ đến với xã Gio An và hỏi đường đến thôn Hảo Sơn vì các giếng phân bố nhiều ở khu vực này.
Bạn hãy đến đây vào những buổi trưa nắng, xin phép người dân để được đắm mình vào dòng nước mát lạnh của hệ thống giếng cổ này và đừng quên mua cho gia đình mình một ít rau Liệt (xà lách xoong) một loại rau mọc trên đá, đặc sản của nơi đây về làm quà bạn nhé.
3- Hang động Đakrông, Đakrông.
Để đến khám phá được hang động Đakrông từ TP Đông Hà bạn chạy theo QL9 lên đến cầu treo Đakrông thì bạn rẽ vào, chạy tầm 10km nhìn phải bên phải sẽ thấy biển báo Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và con đường bê tông nhỏ. Bạn xin các đồng chí kiểm lâm đang làm việc tại đó vào khám phá hang vì địa điểm này nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên và chịu sự quản lý của Trạm Kiểm lâm nơi đây.
Hang động Đakrông bao gồm 2 hang gọi là: Hang khô và Hang nước. Hai hang này nằm cách xa nhau chứ không nằm chung một điểm nên bạn sẽ phải rất mất thời gian để tìm ra nó. Tốt nhất là hỏi các anh, chị kiểm lâm, họ sẽ hướng dẫn rất vui vẻ và nhiệt tình.
Cửa vào của cả 2 hang đều nằm khuất lẫn sau những hàng cây và dây leo, lối đi vào động rất khó và trơn nên bạn cần mặc giày có độ bám cao để tránh trơn trượt.
Vì hang đang còn rất hoang sơ và ít người khám phá nên vẫn giữ được những nét bí ẩn của mình. Bước vào hang như bước vào thế giới khác, hơi lạnh của đá tỏa ra làm bạn có cảm giác ớn lạnh, càng đi sâu vào hang thì những cột đá, ụ đá, tấm nhũ… hiện ra khắp nơi dưới nền hang, trên đỉnh hang, vách hang và vẫn còn nguyên vẹn những hình thù được thiên nhiên kiến tạo hàng ngàn năm, ánh lên lấp lánh dưới ánh đèn pin thật đẹp.
4- Điện gió Hướng Linh, Hướng Hóa.
Nằm ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tổ hợp điện gió Hướng Linh bao gồm hơn 10 cột tuốc bin gió.
Bạn xuất phát từ TP Đông Hà, theo QL9 để lên đến với TT Khe Sanh rồi rẽ phải theo đường Hồ Chí Minh Tây tầm 6km sẽ gặp ngã 3, bạn rẽ phải, đi tiếp thêm khoảng 12km nữa, bạn sẽ nhìn thấy từ xa xa lác đác những cánh quạt gió vươn lên giữa màu xanh của trời và cây cối nơi đây.
Đến đây bạn sẽ được chào đón bằng những cái vẫy tay và những tiếng Hello từ 2 bên đường bởi những cô bé, cậu bé người đồng bào dân tộc sống ở đây, bạn hãy chuẩn bị ít bánh kẹo hay những chiếc bóng bay để đáp lại tình cảm ấy. Các bạn nhỏ sẽ rất vui mừng lắm đấy.
5- Thảo nguyên Lao Bảo, Hướng Hóa
Khi nghe tựa dẫn chắc bạn phải ngớ người ra và tự hỏi: Quảng Trị mà cũng có thảo nguyên sao? Sự thật là có đó bạn à, chúng tôi không rõ tên của nơi này là gì nên tạm gọi nó là Thảo nguyên Lao Bảo vì nó nằm trên đường từ Hướng Phùng sang Lao Bảo.
Một con đường nhỏ đầy những khúc cua ngặt và dốc lên dựng đứng chạy xuyên qua các bản làng của đồng bào dân tộc nơi đây, nối liền xã Hướng Phùng với TT Lao Bảo.
Trên con đường đó bạn không những được đi qua những vườn cà phê, những bụi lau cao quá đầu người mà bạn còn được đi qua một vùng đất bằng phẳng mà chúng tôi gọi đó là thảo nguyên. Vẫn là con đường QL9, vẫn là còn đường Hồ Chí Minh Tây sẽ dẫn bạn đến chợ Hướng Phùng, đi thêm tầm 50m bên tay trái có con đường nhỏ để vào trường tiểu học Hướng Phùng và cũng chính con đường đó sẽ dẫn bạn đến với Thảo nguyên Lao Bảo.
Bạn cũng có thể kết hợp khám phá điện gió Hướng Linh và thảo nguyên Lao Bảo trong cùng một ngày. Đến đây bạn sẽ được ngắm núi non trùng điệp của phía Tây Quảng Trị. Sau khi khám phá và gom cho mình những tấm ảnh đẹp thì bạn tiếp tục theo con đường này để lên đến TT Lao Bảo, giữa đường sẽ có một bất ngờ lớn dành cho bạn.
Từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ thấy thị trấn của vùng biên giới này thật nhỏ bé và bất ngờ hơn bạn sẽ phát hiện ra chính giữa thị trấn nhỏ bé này có một hồ nước mang hình dáng trái tim. Thật yêu sao thị trấn bình yên và đáng yêu này.
Nếu có cơ hội để đi và được đi thì bạn không nên từ chối. Hãy đi để khám phá, để thấy cuộc sống này vốn ngắn, nhưng đất nước này thì rất dài và rộng. Đi để thêm yêu, thêm quý những điều giản dị xung quanh ta.