Random Posts

header ads

Khu Hang Dơi, Động Lèn

(DSQT) - Hang Dơi và các hang động lèn Tân Lâm nằm ở phía Bắc quốc lộ 9, trong vùng núi Đầu Mầu thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị); cách trung tâm huyện lỵ Cam Lộ 12 km về phía Tây. Vùng núi này hiện đang đặt dưới sự quản lý của Xí nghiệp khai thác đá Tân Lâm.

Đầu Mầu là một vùng đồi trung sinh đã bị bào mòn thành những thung lũng và bị chia cắt bỡi các chi lưu của sông Cam Lộ (sông Hiếu). Do hoạt động kartis nhiệt đới, giữa vùng đồi thung lũng này mọc dựng những dãy núi đá vôi mà dân địa phương gọi là các lèn đá với nhiều hang động, mái đá vốn là không gian đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc cư trú của các nhóm cư dân nguyên thủy.

Trong đợt điền dã khảo cổ học năm 1993, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Trị và Trung tâm văn hóa Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát các hang động trong vùng núi Đầu Mầu và đã phát hiện các địa điểm có dấu vết cư trú của người nguyên thủy  trong các hang động lèn 4 và các mái đá ở lèn 3. Đặc biệt là Hang Dơi và hàng Quyết  tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hang Dơi nằm trong dãy núi đá vôi được gọi là Lèn 4 (hay còn gọi là Lèn Con Rồng). Đây được coi là một hang lớn nhất trong các hang động ở Tân Lâm. Gọi là hang Dơi bởi trong hang có rất nhiều đàn dơi cư trú. Trải qua thời gian dài trên bề mặt của lòng hang phủ lên một lớp phân dơi dày. Vì thế, cùng với việc phá đá của công ty khai thác đá Tân Lâm hàng chục năm nay, trước đó, công ty Thiên Nông đã tiến hành đào bới trong các hang động để khai thác nguồn phân dơi phục vụ cho việc chế biến phân vi sinh; chính điều này đã làm cho tầng đất ở đây bị đào khóet dữ dội, di tích khảo cổ học do đó mà cũng không được bảo tồn một cách nguyên vẹn.

Trong lèn Con Rồng, hang Dơi nằm ở vị trí như mắt rồng. Cửa hang cao hơn mặt đất chừng 70m, đường lên tương đối thuận lợi, tuy khá dốc. Cửa hang quay về hướng Đông nam, chếch Đông 360, rộng 4,67m, cao từ 8 - 10m, tránh được gió mùa Đông bắc. Vòm hang có chiều sâu chiếu sáng 17,5m, nơi rộng nhất của vòm hang là 13m, có những ngách rộng ăn sâu vào lòng núi và một cửa thông hơi gọi là cửa trời. Nền hang tương đối bằng phẳng mặc dù nhiều chỗ bị xáo trộn địa tầng do quá trình khai thác phân dơi những năm sau này. Phía trước cửa hang là vùng đồi trung sinh nơi có một nhánh của sông Cam Lộ (suối La La) từ phía thượng nguồn chảy ngang theo hướng Tây - Đông với nhiều đá cuội. Chính vì vậy, hang Dơi hội đủ các điều kiện để trở thành một nơi cư trú lý tưởng cho sự sống của con người thời tiền sử.

Tháng 7/1993, Bảo tàng Quảng Trị và Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong lần điều tra, khảo sát đầu tiên đã phát hiện nhiều hiện vật liên quan đến cuộc sống của người nguyên thủy cổ. Trên bề mặt và trong một hố thám sát nhỏ, nhóm nghiên cứu đã thu được những hiện vật bao gồm: Một khối lượng rất nhiều vỏ ốc suối, ốc núi phần lớn đã bị chặt đít; có nơi vỏ ốc ken dày trên 1m. Trong tầng văn hóa đã tìm thấy những xương răng thú bán hóa thạch, những mảnh xương, một số xương bị đập chẽ, bôi thổ hoàng. Đặc biệt đã tìm thấy nhiều viên cuội được mang từ suối lên để sử dụng và chế tạo công cụ như: 3 chiếc bàn nghiền lớn, những chiếc chày đá hình trụ đã có dấu vết sử dụng cùng nhiều công cụ chặt thô được ghè đẽo một đầu hoặc hai rìa cạnh, một số mảnh tước được gia công thành công cụ nạo...

Trên cơ sở của lần điều tra, khảo sát này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận xét rằng: “Hang Dơi chắc chắn là một di chỉ rất quan trọng với sức chứa hàng trăm người và với trữ lượng hàng ngàn hiện vật cuội có gia công có thể xếp Hang Dơi vào nhóm di tích văn hóa Hòa Bình sớm với niên đại 1,5 - 2 vạn năm”.

Để tiếp tục làm rỏ đặc trưng, tính chất của di tích quan trọng này, đặc biệt là khi Hang Dơi đang đứng trước nguy cơ có thể bị phá do việc khai thác đá và phân dơi, tháng 7/1994, một đợt điều tra khảo sát quy mô hơn đã được tiến hành bởi Bảo tàng Quảng Trị, Trung tâm Văn hóa Việt Nam và Đại học Huế. Trong một hố khai quật (2,7m x 1,3m) ở sát chân vách phía nam cửa hang và rải rác trong nhiều hố khác do công nhân khai thác phân dơi đào, các nhà nghiên cứu đã thu được một số hiện vật đáng kể. Trong số này gồm: 32 hiện vật đá khá điển hình với các loại công cụ hình đĩa, rìu nhắn, công cụ hình hạnh nhân, công cụ rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi hình cánh cung, công cụ hình núm cuội, nạo và nhiều mảnh tước, bàn nghiền, chày nghiền hay những công cụ không định hình... Đặc biệt, đã tìm thấy 10 mảnh gốm thô có xương đen, phía ngoài trang trí hoa văn dấu thừng, bên trong miết láng, độ nung thấp. Các công nhân đào xới trong hanh cũng cho biết họ đã có lần nhặt được một chiếc rìu đá có vai, nhưng vì không hiểu giá trị của nó nên đã vứt đi.

Như vậy, Hang Dơi là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với khảo cổ học Quảng Trị và miền Trung. Qua các kết quả điều tra, khai quật, có thể coi Hang Dơi là nơi có những chứng cứ chắc chắn về cả địa tầng lẫn hiện vật khảo cổ để xác định sự tồn tại của văn hóa Hòa Bình thuộc giai sơ kỳ thời đại đồ đá mới cách ngày nay trên dưới 1 vạn năm trên đất Quảng Trị. Đặc biệt, sự có mặt của những mảnh gốm thô và rìu có vai chứng tỏ Hang Dơi đã từng tồn tại liên tục sự cư trú của con người cho đến giai đoạn hậu kỳ đá mới.

Ở các hang động khác ở lèn 1, lèn 2, lèn 4 và mái đá lèn 3 cũng tìm thấy rất nhiều vỏ ốc suối, ốc núi, một số cuội có dấu vết gia công. Tại hang “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các nhà nghiên cứu đã đào thám sát và thu được 2 mảnh tước, 3 công cụ đá, 3 viên cuội nguyên liệu và 1 mảnh gốm thô. Ở mái đá lèn 3, mặc dù bị đánh sập bởi công việc khai thác đá nhưng cũng tìm thấy trong hố khai quật nhiều xương thú rừng: hươu, nai, lợn ... và 1 chiếc răng hàm người trong kết tầng tương đối xốp của tầng văn hóa. Tại hang lèn 2 (phía Nam quốc lộ 9), tháng 5/1994, một công nhân xí nghiệp đá Tân Lâm (anh Đỗ Miền) đã phát hiện chiếc rìu đá dài khoảng 6,4 cm, rộng 4,6 cm (thuộc hậu kỳ đá mới). Cũng tại khu vực này, năm 1995, một công nhân khác đã phát hiện một bộ phận răng động vật hóa thạch của một loài cổ sinh vật thuộc họ ăn cỏ (có khả năng là răng voi).

Ngoài ra, trên quả đồi Không Tên cách lèn 4 khoảng 200m về phía Đông nam cũng phát hiện nhiều dấu tích của một công xưởng chế tác công cụ đá thuộc thời đại đá mới với nhiều mảnh tước,  phiến tước, phác vật, phế vật, rìu tứ giác cùng một số mảnh rìu đá được mài nhẵn bị rữa trôi xuống chân đồi. Nguyên liệu chế tác công cụ ở đây đều là đá silex rất cứng không có ở vùng này mà có thể được mang từ vùng núi cao hơn về.

Với những kết quả phát hiện được tại các di chỉ hang động, mái đá và trên vùng đồi thuộc khu vực núi Đầu Mầu - Tân Lâm có thể khẳng định đây là nhóm di chỉ khảo cổ học rất quan trọng thuộc nhiều giai đoạn. Cụm di tích Hang Dơi và các hang động lèn Tân Lâm không chỉ là di chỉ cư trú của một cộng đồng người tiền sử thuộc văn hóa Hòa Bình sớm với niên đại từ 1,5 vạn năm đến 2 vạn năm cách ngày nay mà còn là nơi chứa nhiều dấu ấn của con người thời hậu kỳ đá mới cách ngày nay từ 4 - 5 nghìn năm. Bên cạnh đó, việc phát hiện các răng động vật hoá thạch cũng là những cơ sở khoa học vô cùng lý thú để nghiên cứu về cổ địa chất, môi sinh của vùng đất Quảng Trị.

Bên trong các hang động ở Đầu Mầu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từng là nơi trú ẩn và đóng quân của một tiểu đoàn trinh sát thuộc mặt trận B5 suốt thời gian 5 tháng của năm 1972. Chính từ các hang trú ẩn, các chiến sĩ trinh sát đã kiểm soát được những hoạt động của địch trên quốc lộ 9 và tổ chức các trận đánh tiêu diệt địch, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công năm 1972. Dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” viết trên trần hang đã được các nhà khảo cổ lấy để đặt tên cho một di chỉ khảo cổ là một dấu ấn lịch sử  rát có ý nghĩa về thời kỳ này.

Hiện nay khu di tích Hang Dơi và các hang động, mái đá Tân Lâm đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc khai thác đá để sản xuất ciment và xây dựng đường giao thông. Các cấp chính quyền và các ban ngành của tỉnh Quảng Trị từ nhiều năm nay đã và đang làm những gì có thể để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa trong chiến lược phát triển bền vững không chỉ trong hôm nay và cả mai sau.