(VTC) - Bản Thín với những dãy núi đá vôi trùng điệp, cùng hệ thống hang động chằng chịt, từ lâu được biết đến là vương quốc của các loài trăn, rắn khổng lồ.
< Núi Hằng.
Kỳ 1: “Vương quốc” của loài trăn thần bí
Dưới chân dãy Pha Luông là những ngọn núi đá vôi nhỏ. Trong lòng những ngọn núi này là hệ thống hang động khổng lồ. Điều lý thú, hàng ngàn năm qua, dãy núi đá vôi và hệ thống hang động là nơi trú ẩn lý tưởng của những loài bò sát như rắn và trăn. Ở bản Thín, xã Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La từ lâu được biết đến là vương quốc của các loài trăn. Trong hệ thống hang động của núi Hằng trăn mắc võng trong hang đá vốn vô kể.
“Trăn thần” cứu người
Bên này sườn dốc Giang là địa phận bản Thín. Những nếp nhà sàn của bà con người Thái nằm lúp xúp dưới chân núi thật yên bình.
Theo ông Vì Văn Đoài, Trưởng bản Thín, bản có 74 hộ với 2 dân tộc sinh sống là người Thái và người Mường. Người Thái đã định cư ở bản Thín sớm hơn người Mường. Xưa vùng này rừng già âm u trải dài ngút tầm mắt. Trải qua nhiều năm, dãy núi đá vôi này đã tạo ra hệ thống hang động tráng lệ. Có những hang động đi cả ngày vẫn chưa hết. Người Thái tin rằng, chỉ có các vị thần linh mới tạo được những hang động đẹp đến mê hồn như vậy.
< Những dãy núi đá vôi ở bản Thín rất rậm rạp cây cối, nhiều hang động.
Cụ Đứng, cao tuổi nhất bản, người từng có vinh dự được đi thăm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), kể, tới di sản ấy, thấy ai cũng hết lời ca ngợi, trầm trồ suýt xoa nhưng riêng cụ chỉ đưa ra một câu nhận xét gọn lỏn: Không đẹp bằng động ở quê mình!
Lần giở trong lớp ký ức, cụ Đứng bảo, từ xưa những người già trong bản tin rằng núi Hằng rất linh thiêng và đời đời con cháu người Thái phải giữ gìn bảo vệ. Chính bởi sự bảo vệ nghiêm ngặt ấy nên đến nay trên núi vẫn còn nhiều cây cổ thụ cả chục người ôm không hết.
Núi Hằng có tới 3 hang động nhưng bí hiểm nhất vẫn là hang Hằng. Có một truyền thuyết gắn liền với vùng đất này mà cụ Đứng vẫn còn nhớ như in. Thuở trời đất còn sơ khai, muôn loài cùng sống chung trong một khu rừng già rậm rạp. Những cư dân đầu tiên của vùng núi đá hoang lạnh này sống trong hang động. Sáng họ vào rừng săn thú, tối lại về hang chứ chưa hề có khái niệm trồng trọt như bây giờ. Đứng đầu nhóm người rừng này là một tù trưởng thạo việc săn bắn.
Cuộc sống của họ êm đềm trôi qua cùng núi rừng. Bỗng một hôm thú hoang nhiều vô kể đổ dồn về vây quanh lấy nơi ở của nhóm người này. Mặc dù những trai tráng trong bộ lạc này là những thợ săn giỏi nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ của đám thú hoang, mọi người phải rút vào rừng sâu trú ẩn. Chạy đến vách đá sừng sững thì ai cũng kiệt sức không thể vượt qua. Không còn đường thoái lui, họ đành buông xuôi, chấp nhận làm mồi ngon cho đám dã thú kia.
< Đường vào hang Hằng.
Những tiếng người khóc than đã làm lay động cả trời xanh. Bỗng nhiên, giữa đêm mịt mùng bỗng đâu phía trời xa, ánh trăng sáng rẽ qua muôn vàn áng mây đen soi đường chỉ lối cho đám người dưới hạ thế bước tiếp. Dưới ánh trăng sáng vô ngần đó bỗng nhiên xuất hiện một con trăn khổng trùi trũi luồn vào một hang đá hẹp.
Sự việc diễn ra quá nhanh trước mắt khiến vị tù trưởng tưởng mình loá mắt. Nghĩ là trời đã cử con trăn kia xuống hạ giới mở đường cho dân làng thoát nạn nên mọi người cố sức chạy theo. Khi mọi người đã an toàn trong hang đá cũng là lúc đám thú hoang kia ập tới. Tuy nhiên, miệng hang đã được dân làng bịt kín nên đám dã thú kia chỉ biết đứng ngoài bất lực gầm rú điên loạn.
Hang đá rộng mênh mông, lạ hơn là có rất nhiều trăn khổng lồ treo mình trên nhũ đá. Lũ trăn này hiền khô. Chúng không hề có ý tấn công người. Mọi người đi đến đâu là chúng nhường đường đến đó tựa như 2 hàng lính đứng 2 bên hệt như đón khách quý. Giữa động có hồ nước trong xanh và cá thì nhiều vô kể.
Sau khi đám thú hoang kia rút hết, mọi người mới bắt đầu chuyển dần ra ngoài. Nhớ ơn cứu mạng của Giàng, mọi người gọi tên dãy núi đá này là núi Hằng, ý nói nhờ có ánh trắng sáng mà mọi người mới tìm ra con đường thoát thân. Tất cả mọi người trong bộ tộc đều thề rằng, không bao giờ bắt trăn trong động đá này bởi lẽ chính con trăn khổng lồ đó đã cứu mạng họ.
Lãnh địa thiêng
< Người dân Xuân Nha rất sợ hang Hằng.
Truyền thuyết về hang Hằng kia đã ăn sâu vào tiềm thức của những cư dân đầu tiên định cư ở đất này và từ nhiều năm nay, hang Hằng vẫn chẳng mấy ai dám đặt chân tới. Mọi người xem nơi đó là chốn thiêng liêng, ai tới mà làm điều không phải sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Và, suốt bao đời, hang Hằng vẫn chìm vào bí ẩn. Không ai biết miệng hang nằm ở đâu và trong hang có gì ngoài niềm tin kỳ quái kia.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây thì hang Hằng đã được đám thợ săn “khai quật”. Và, không rõ trùng hợp kiểu gì, mà bao trường hợp xâm phạm đến thế giới của loài trăn bí ẩn đã chuốc lấy những cái chết thảm thương, khó hiểu.
Người đầu tiên gặp họa là lão Sung, một thợ săn lão luyện. Lão Sung nổi tiếng trong vùng vì đã từng bẫy được hàng chục con hổ, hạ gục nhiều con gấu ngựa to hơn cả thân mình. Cách đây đã nhiều mùa rẫy, một đêm lão Sung vác súng lên đường đi săn. Vừa vào tới cửa rừng, lão đã phát hiện một chú nai bị lạc đàn, đang kêu thảm thiết bên bờ suối. Lão liền truy đuổi con mồi. Lần theo vết chân còn in rõ trên tầng lá mục, lão đoán rằng con nai này bị thương vì dấu chân của nó không đều nhau. Lão thầm nghĩ, con mồi đã ở trong tầm tay của lão vì phía trước đã là vách núi đá dựng đứng rồi.
Vậy mà khi lão tiến tới chân núi Hằng, con nai kia mất bóng. Lần tìm, mãi đến tờ mờ sáng, lão mới phát hiện có một hang đá nhỏ dẫn vào trong lòng núi. Lạ hơn là dưới cửa hang có vết máu tươi mà không nhìn thấy con mồi đâu.
< Đường xuống hang Hằng sâu hun hút.
Lần theo vết máu, lão chui qua cửa hang. Vừa lọt người vào phía trong hang sâu, lão đã nghe thấy tiếng phè phè, mùi máu tanh nồng xộc thẳng vào mũi. Hiện lên trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn săn là một con trăn đất to bằng cột nhà sàn. Da nó đen bóng, miệng nó đỏ lòm, hai con mắt sáng quắc vằn đỏ đang nuốt dở con nai mà lão dày công truy đuổi. Thấy con trăn quá to, sởn da gà, biết sức mình không địch nổi, lão tắt đèn săn rồi lặng lẽ thối lui.
Về bản, lão kể lại chuyện này cho mọi người, chẳng ai tin là có giống trăn to đến vậy. Riêng cụ Đứng lại trầm tư suy nghĩ. Bởi lẽ mấy năm trước đây cụ đã từng truy đuổi đám lợn rừng về phá nương về phía chân núi. Lạ thay cụ xua đuổi chúng đến chân núi Hằng là mất dạng.
Cụ đến nơi tìm hiểu chỉ thấy vết máu tươi còn loang lổ trên bề mặt lá cây. Sự việc bí hiểm này xảy ra nhiều lần khiến cụ Đứng sinh nghi. Chẳng nhẽ câu chuyện truyền thuyết về hang Hằng khi xưa là có thật. Duy chỉ có điều, đời cụ chưa từng được tận mắt nhìn thấy con trăn khổng lồ như truyền thuyết từng nói.
Lại nói đến lão Sung vì bị lũ trăn kia cướp mất con mồi, lão nuôi ý định vào hang sâu bắt trăn ra cho mọi người xem. Lão Sung rủ đám trai bản đi khám phá hang Hằng một phen nhưng ai cũng lắc đầu từ chối. Vốn là người đi rừng quen, lại thông thạo tính nết của đám trăn đất, lão tin chúng sẽ không làm hại mình.
Hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, lão chuẩn bị dây rừng (một loại dây mà bà con nơi này chỉ cần quăng vào chỗ con trăn ở là chúng nằm im thin thít). Lão cầm trên tay đuốc sáng, cung, nỏ… một mình thân chinh khám phá hang Hằng.
Bóng lão Sung vừa mất dạng sau đám cây bụi, người dân trong bản ai cũng hồi hộp và lo lắng cho số phận của tay thợ săn ngang dọc trời đất này. Mặt trời đã lên quá con sào mà chưa thấy lão Sung ra. Khi mọi người đã hết hi vọng, rời về bản thì bỗng đâu từ trong hang đá, lão Sung đang cố lôi đuôi con trăn ra khỏi cửa hang.
< Không gian rộng lớn và kỳ quái của hang Hằng.
Đám trai bản lúc đó mới sực tỉnh chạy ùa đến giúp. Con trăn đó nặng gần một tạ, dài hơn cả chiếc cột cao nhất của nhà sàn.
Từ hôm đó thì mọi người tin rằng, những vụ mất trâu, mất bò ở bản có thể do lũ trăn khổng lồ ở trong động này là thủ phạm.
Sau lần bắt được con trăn to đó, lão Sung bỗng đổi tính đổi nết. Cả ngày lão chẳng nói câu nào. Mỗi khi chiều buông, mọi người trong bản không còn được nhìn thấy bóng dáng oai vệ của người thợ săn lão luyện đổ dài trên đỉnh núi Hằng nữa.
Nhiều người có hỏi chuyện, lão chỉ bảo, từ hôm bắt nươm phạ (theo tiếng Thái nghĩa là trăn trời) đó, đêm đêm lão thường mơ thấy thần trăn về quấn lấy mình và quật cho thịt nát xương tan. Mỗi lần tỉnh cơn mộng là người lão mồ hơi ướt đầm đìa.
Cả đời sống với núi rừng âm u, nhưng chưa bao giờ bà con lại thấy tinh thần lão Sung rệu rã đến vậy. Từ hôm đó lão “rửa tay gác kiếm” từ bỏ luôn cả nghiệp săn. Lão sống lặng lẽ, chiều chiều lại ra núi Hằng vái lậy.
Chỉ vài năm sau, chẳng ốm đau gì, lão Sung lăn đùng ra chết. Cái chết bí hiểm ấy của lão khiến dân bản càng tin hơn vào sự huyền bí, thiêng liêng của trăn thần núi Hằng.