(LĐO) - Dù là Đà Lạt, đô thị giữa thiên nhiên dịu mát, an lành thì cũng có những ngày cảm thấy nội ô chật chội với dòng người tấp nập và ngột ngạt khói xe. Lúc đó, chỉ muốn lên đường rời phố xá ồn ã và tìm một hướng ngoại ô thanh tịnh rồi thong thả dạo gót hít thở khí trời đậm hương vị trong lành. Năng lượng như căng đầy hơn bởi làn nắng vàng ươm và hơi gió ngọt lạnh...
Ngoại ô Đà Lạt, vùng ngoại ô hiếm có. Những cánh rừng bảng lảng khói sương huyền ảo. Những ngôi làng mang sắc màu thanh đạm trầm tư. Những nơi chốn thường tỏa lên mùi hương đặc biệt. Đó là mùi của thổ nhưỡng bazan, của thảo mộc hồn nhiên, của hoa trái tốt tươi. Đó còn là sợi khói lam thổn thức nao lòng nhớ thương mỗi độ, của nghĩa tình cố cựu từ thưở làng quê xưa từng xa rời nhưng chưa mấy nhạt phai. Hồn lữ thứ thường nhắm nơi quạnh vắng, cũng như ngoại ô thường là lựa chọn ban đầu của khách tha phương...
Ngoại ô Đà Lạt, những vòng tròn lồi lõm cao thấp đồng tâm khuất phía sau mặt tiền phô trương của phồn hoa đô hội. Có một thời chưa xa, ngoại ô gần như bàng quan trước những rực rỡ của xứ sở du hý nổi tiếng. Người ngoại ô thưở trước mỗi sáng sớm gom rau hoa gánh ra chợ bán rồi lầm lũi những bóng nón trở về với làng với vườn, như hoàn toàn xa lạ với thị thành, chỉ chú tâm vào cuộc mưu sinh còn nhiều gian khó. Ngoại ô chọn lẽ ẩn mình khiêm nhường, tự chìm lẫn vào không gian tự nhiên huyền nhiệm. Ngoại ô hòa trong màu nâu của đất, màu xanh của rừng, hòa vào nồng nàn thiên khí. Ngoại ô như những thảm hoa văn in dáng nét mồ hôi tứa dọc rỗ ngang lưng áo cần lao. Ngoại ô là những chất chứa lo toan của đời sống rẫy nương bốn mùa nghĩ suy nỗi niềm cơm áo.
Đà Lạt xưa nay phố lẫn vào vườn, rừng lẫn vào làng, xơ xác lẫn vào phì nhiêu. Ở ngoại ô, tính cách nông dân và thị dân thật khó phân định. Phố Đà Lạt bao đời vẫn vậy, ngoại ô của xứ sở này bao đời nay cũng vậy. Phố vẫn giữ nét an nhiên tự tại, vẫn rực rỡ sắc hoa, vẫn lung linh mặt hồ, vẫn uốn lượn đường dốc và ngoại ô vẫn đồi cao lũng thấp, vẫn bậc đá rêu phong, vẫn hoa dại giăng mắc lối đi, vẫn mãi xanh màu cây trái tốt tươi. Ngoại ô thì phải xanh, như nếu hết xanh thì không phải ngoại ô...
Ngoại ô Đà Lạt ở đâu? Phố trong rừng. Vườn trong phố. Bên những tòa cao ốc là những vườn rau, hoa tốt tươi. Những ngôi nhà gỗ thông mái tôn sạm nắng bợt mưa nơi nhiều đời nông phu trú ngụ cùng hòa vào những mái ngói resort hiện đại. Phía sau những cửa hiệu, cửa hàng, những siêu thị mặt tiền sôi động mấy bước chân là lặng lẽ những bậc đá xanh rêu phủ đầy hoa dại dẫn xuống thung lũng với những chiếc giếng khơi mát lạnh đá ong và hình ảnh thôn nữ nón trắng gánh nước tưới vườn.
Lịch sử của đô thị cao nguyên này được tính từ mốc phát hiện mang yếu tố thực dân. Người Pháp dựng phố theo cách của họ và cũng chỉ phục vụ cho mục đích an trí, nghỉ dưỡng nhằm duy trì lâu dài sự cai trị đế quốc. Lịch sử lắm nỗi biến thiên. Phố mỗi ngày cũng nới rộng ra theo ý đồ thời cuộc. Những tộc người thiểu số không quen làm cư dân đô thị nên lùi về với thế giới thâm trầm cố hữu của đại ngàn để thủy chung lưu giữ lẽ sống của rừng.
Họ nhường phần đất đai phì nhiêu bên những nguồn nước mát lành cổ xưa cho đồng bào từ mọi miền quê Việt đến nơi này tránh đao binh, loạn lạc rồi tụ cư lập làng, lập vườn mưu sinh, sinh con đẻ cái truyền đời. Người Nghệ Tĩnh, Hà Đông vào lập ấp Đông Tĩnh; người Thừa Thiên Huế vào lập làng Ánh Sáng, Vạn Thành; người Quảng Nam, Quảng Ngãi vào lập làng Thái Phiên, Xuân Trường. Những phu hỏa xa, đồn điền, lục lộ cũng lập nên những Cầu Đất, Sở Lăng, Trạm Hành, Trại Hầm, Xuân Thọ…
Hơn một trăm năm trước, những lưu dân gánh vào quê mới những “tên xã, tên làng” rồi tự sưởi ấm tâm hồn trong những đêm rừng xưa hoang lạnh bằng nét riêng tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và văn hóa cổ truyền bản nguyên cố xứ.
Tôi cứ tạm vạch một đường phân tuyến, ở cái nơi nằm giữa phố thị mới hơn trăm năm và rừng cổ sinh ngàn đời là ngoại ô, là đất sống của những lưu dân chọn xứ này làm quê. Đó là cái phần cũng thuộc về đô thị mà bản chất không muốn làm đô thị. Sống giữa thị mà cứ nghĩ mình thôn. Trên thì gọi là “phố” là “phường” mà ở dưới vẫn cứ quen kêu là “làng”, là “ấp”. Người ngoại ô khiêm tốn không muốn nhuộm cái vẻ quý phái mang tên phố xá mà muốn giữ trọn vẹn chất cần lao ruộng rẫy. Có lẽ những tên gọi hiền lành, những địa danh mộc mạc gần gũi với đất ngoại ô bốn mùa thơm hương thảo mộc, ngọt ngon hoa trái, với những nếp nhà đơn sơ, với hình ảnh người nông dân sớm sớm xỏ chân vào ủng vác cuốc ra vườn.
Có lẽ, cái chất thôn dã trong mỗi con người ngoại ô mãi mãi phù hợp với những lũng cao đồi thấp thuần hậu canh nông hơn là bon chen, ồn ĩ phố xá. Người ta nói, có hơn ba phần tư diện tích của thành phố Đà Lạt là ruộng là vườn, là ngoại ô. Ngoại ô đang níu kéo chính mình, không muốn hóa thân hoàn toàn thành phố thị, vì sợ chất phố làm nhạt chất làng. Ngoại ô muốn giữ trong lòng mình chút nắng lạnh mỗi buổi sớm mai, những mùa sương tháng giá trong lành vốn dĩ. Người ngoại ô muốn con cháu không lãng quên một thời cha ông từ miền xa lưu lạc đến đất này và tạo nghiệp canh nông truyền đời bên phần rìa đô thị. Cái phần rìa xưa với làng ấp nghèo nàn, đường sá chật hẹp, lượn lờ đồi dốc, xa ánh sáng trung tâm thành phố ấy từng viết nên những dòng lịch sử của xứ sở này.
Lịch sử ngoại ô Đà Lạt là câu chuyện về những cuộc di dân trong quá khứ: Như chuyện từ năm 1938 đến năm 1942, có gần 100 người dân tỉnh Hà Đông cũ được Tổng đốc Hoàng Trọng Phu mộ vào đây và lập nên làng hoa đầu tiên của xứ hoa; như câu chuyện 11 trai đinh Quảng Nam được trưng dụng làm culy của sở trà Cầu Đất rồi dựng nên vùng Xuân Trường, Trại Mát; như câu chuyện những người Huế, người Nghệ theo Quản đạo Phạm Khắc Hòe vào lập làng Nghệ Tĩnh, Ánh Sáng. Rồi một thời ngoại ô là chiến địa. Chiến tranh đã lê bước chân khốc liệt đi qua và xé rừng, rạch đất, phá nát làng mạc vốn rất đỗi yên lành.
Ngoại ô từng hằn những vết sâu thù hận. Màu đỏ của máu tưới thẫm đất đai. Ngoại ô trở thành vùng ven, vùng trắng, vùng ta và địch tranh chấp. Đêm đêm đại bác ì ầm. Tiếng gà gáy cũng tắc trong cổ họng. Tiếng chó sủa cũng trở thành tâm điểm cho mọi sự nghi ngờ. Nông dân trở thành chiến binh. Du kích mật len lỏi trong vùng địch tạm chiếm để gây dựng phong trào. Giày thù nhón gót rình rập mọi góc vườn, rãnh nước. Tiếng súng đạn lách cách khua nhói đêm hoang vắng, lạnh thấm đau thương. Lịch sử ngoại ô hàng chục năm ròng được viết lên bằng máu, bằng nước mắt, bằng mồ hôi của bao lớp nông phu. Trong các đình làng ngoại ô Đà Lạt ngày nay, công trạng của các bậc tiền hiền khai canh và các vị anh hùng giữ đất được lưu danh trang trọng...
Tôi không đủ văn chương để mô tả đời sống đa sắc, đa thanh ở những nơi này, không đủ ngôn từ để chuyển trao trọn vẹn cảm xúc. Tôi chỉ biết trong tâm hồn vốn mẫn cảm của mình luôn đủ chỗ dành cho ngoại ô, miền ngoại ô thương nhớ. Cái vùng ngoại vi của phố thị Đà Lạt nhiều vườn lắm rừng, tốt rau, tươi hoa vốn đi về trong những miền ký ức, trong nỗi niềm hoài niệm của nhiều người. Mỗi sáng mai thức dậy mắt đã chạm ngoại ô, những ô vườn và những mái nhà, những nông dân đội sương sớm gánh rau ra chợ, vậy mà nỗi nhớ ngoại ô đôi khi vẫn dâng lên rưng rức trong hồn. Thật lạ lùng cái xứ sở này, khói sương cứ lả lướt trôi qua làm lòng người đôi khi chùng chình khó tả.
Ngoại ô bây giờ không còn quạnh vắng. Ngoại ô sầm uất, ngoại ô năng động và giàu có. Người vùng ven Đà Lạt hái ra tiền nhờ nền nông nghiệp hiện đại phát triển chưa từng thấy. Nhiều nhà vườn lâu nay chỉ biết sương nắng với rau, với hoa nay mở thêm du lịch canh nông để thỏa hồn du khách. Xóm làng xưa với những túp nhà nhỏ gỗ thông như những tổ chim treo bên những triền dốc nay thay thế bằng những quần thể biệt thự khang trang.
Mừng là vậy mà nỗi ưu tư cũng dày lên khi ngoại ô đang bị đổi thay, chia chác, đang phai nhạt dần cái chất “tinh khiết nông phu” vốn có. Cuộc chồng lấn bất thường từ làn sóng đô thị hóa nhanh như thác lũ đã làm cho ngoại ô biến dạng. Vẫn biết quy luật phát triển gây nên bùng vỡ, nhưng không dừng lại sẽ trở thành vô nghĩa bạc tình với ngoại ô. Đà Lạt giữ được ngoại ô sẽ giữ được vườn tược, khói sương, giữ sự thuần khiết trong lành của tự nhiên, giữ mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều thế hệ...
Kẻo sợ một ngày, người ngoại ô lại quay quắt nỗi nhớ ngoại ô.