(QBĐT) - Thung lũng Hoá Sơn bao quanh bởi các lèn đá vôi hùng vĩ đã được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm nên trước đây người dân muốn ra vào trung tâm xã chỉ còn cách ăn cho no mới đủ sức vượt qua eo Lập Cập. Chính vì địa thế hiểm yếu đó mà cách đây 130 năm vua Hàm Nghi sau sự biến ở kinh đô Huế đã chọn Hoá Sơn làm một trong những điểm dừng chân để từ đó ra Chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng đứng lên đánh Pháp giành lại giang sơn.
Tạo hoá của thiên nhiên đã làm Hoá Sơn (huyện Minh Hoá) trở thành một mảnh đất thiêng gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó có thể kể đến dấu tích của vua Hàm Nghi trong hành trình rời bỏ cuộc sống xa hoa ở kinh đô để hoà mình vào phong trào khởi nghĩa của những người dân chân chất và bình dị.
Chuyện xưa kể lại rằng, năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được các đại thần triều Nguyễn tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Tuy không được nuôi dạy đầy đủ như các anh ruột ở trong cung, nhưng Hàm Nghi từ thuở nhỏ đã mang trong mình tinh thần ái quốc, mong muốn độc lập, tự do cho nhân dân.
Lúc này thực dân Pháp đang trong quá trình khống chế vua tôi nhà Nguyễn để thực hiện âm mưu bòn rút tài nguyên, đồng thời muốn đặt nền móng vững chắc ở thuộc địa nên họ rất muốn người đứng đầu vương triều mặc nhiên có tâm thế an phận, thủ thường, cúc cung tận tụy với mẫu quốc.
Do không được người Pháp thuận tình đưa lên ngôi báu nên giữa triều thần nhà Nguyễn và quan khâm sứ Pháp thường xuyên xảy ra cảnh "bằng mặt chứ không bằng lòng". Trước tình cảnh đó, phái chủ chiến triều Nguyễn do Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu thấy người Pháp coi thường vua mình như vậy nên vào lúc 2 giờ sáng ngày 7-7-1885, ông quyết định đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá và đồn Pháp gần tòa Khâm sứ. Nhưng do vũ khí thiếu thốn lại thô sơ nên đến sáng khi quân Pháp phản công, quan quân triều Nguyễn thua chạy phải rời bỏ kinh thành.
Ngay trong đêm Tôn Thất Thuyết cùng đoàn tuỳ tùng hộ giá vua Hàm Nghi ra thành Quảng Trị, rồi sau đó lên Tân Sở xây dựng căn cứ chống Pháp. Ở Tân Sở, vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, dân chúng đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ quốc.
Một thời gian sau, nhận thấy ở Tân Sở không an toàn, vua Hàm Nghi tìm đường ra Bắc, khi biết tin quân Pháp đuổi theo vua đành phải vòng về Quảng Trị rồi tiếp đó chọn vùng Hoá Sơn, Tuyên Hoá (nay là huyện Minh Hoá) làm đại bản doanh tiếp tục lãnh đạo các phong trào kháng Pháp trong vùng Trung Trung bộ.
Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, sĩ phu và dân chúng đã đứng lên chống Pháp khiến nhà cầm quyền thực dân phải vất vả chống đỡ, trong phong trào kháng chiến đó có thể kể đến hai vị quan người Quảng Bình là Đề đốc Lê Trực và Tán lý quân vụ Nguyễn Phạm Tuân. Chính tại kinh đô kháng chiến ở vùng đất Hóa Sơn, vua Hàm Nghi và nghĩa quân đã chặn đánh làm tiêu hao binh lực của người Pháp ở hung ải Lập Cập khi chúng đang tìm cách tiến vào căn cứ của lực lượng Cần Vương.
Trong những tháng ngày sống giữa núi rừng Minh Hóa, tuy khó khăn trăm bề, lại bị quân Pháp đánh phá thường xuyên nhưng quan lại địa phương và bà con các dân tộc vẫn một lòng kiên gan phò vua cứu nước. Thấy không khuất phục được ông vua trẻ, người Pháp bèn dùng kế mua chuộc các cận vệ của nhà vua, trong đó có tên phản bội Trương Quang Ngọc.
Cho nên khi Trương Quang Ngọc phản bội và tình nguyện dẫn quân lính truy lùng, đến năm 1888, vua Hàm Nghị bị giặc bắt bên bờ khe Tà Bão khi đó ông mới 17 tuổi, rời kinh thành chống Pháp được 3 năm. Dù đã dùng mọi thủ đoạn nhưng không thể lay chuyển được chí khí của Hàm Nghi, đồng thời lo sợ tầm ảnh hưởng của nhà vua sẽ làm dấy lên phong trào khởi nghĩa ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam nên người Pháp đã đày ông sang xứ Algérie ở Bắc Phi.
Ý chí quật cường của vị vua trẻ khi dấy lên phong trào Cần Vương tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện được tinh thần của cả dân tộc, dù trong hoàn cảnh nào cũng dám đứng lên để chống lại cường quyền, áp bức bóc lột của ngoại bang. Và đất cũng như người Hoá Sơn đã tự hào góp công sức trong những thời khắc lịch sử đó!
Như được hun đúc bằng ngọn lửa yêu nước trong những lúc ngặt nghèo nhất của dân tộc, ngày nay, cùng với sự phát triển chung của cả tỉnh và huyện Minh Hoá, bà con các dân tộc Kinh, Chứt, Thổ, Mường... hậu duệ của các nghĩa binh ngày xưa đang sinh sống ở các thôn, bản Hóa Lương, Lương Năng, Tăng Hóa, Đặng Hóa... đã cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn để xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%/năm, Hoá Sơn đã có bước chuyển mình trong các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, nông nghiệp và lâm nghiệp. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Theo ông Cao Hồng Giáo, cán bộ xã Hoá Sơn cho biết, tận dụng lợi thế và tiềm năng của mình, người dân Hoá Sơn đã tập trung phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Chính vì vậy, đến nay bà con đã gây dựng được 1.282ha rừng kinh tế, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên 80%, đoàn trâu bò đạt giá trị và chất lượng cao có thương hiệu trên thị trường. Ngày trước muốn vào Hoá Sơn còn phải lưỡng lự vì gian nan vất vả, thì đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn đã được cứng hoá, rất thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ đời sống như trạm y tế, trường học, bưu điện, điện lưới quốc gia... được xây dựng... Không những vậy, bà con đã có thể sử dụng các tiện ích từ mạng lưới internet đã được phát triển trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm làm ăn.
Ngoài ra, trong những triền núi đá vôi bao quanh các bản làng trù phú, ẩn chứa bao điều kỳ thú cần được khám phá để phát triển ngành du lịch “không khói”, đó là bên cạnh dấu tích của vua Hàm Nghi và “kho báu” theo truyền thuyết gắn với người đào vàng xuyên thế kỷ Nguyễn Hồng Công ở núi Mã Cú, người dân Hóa Sơn còn tự hào bởi hệ thống hang động kỳ vĩ và lộng lẫy, điển hình là động Rục Mòn.
(Còn tiếp)