Random Posts

header ads

Ghé "Bạch Dinh" và xem đua chó ở Vũng Tàu

(ANTD) - Người Hà Nội khi hè đến phóng xe xuống Đồ Sơn, người Sài Gòn  muốn đổi gió thì ra Vũng Tàu. Khoảng cách cũng chừng ấy, chỉ hơn trăm cây số.

< “Bạch Dinh” do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây dựng, đặt tên là Villa Blanche theo tên con gái mình, cũng có nghĩa là “Dinh thự màu trắng”.

Tôi có cô bạn đại học người gốc Bắc, giờ sống ở Sài Gòn, gia đình mua biệt thự 6 phòng ngủ kèm bể bơi ở Vũng Tàu, đi đi về về như đi chợ. Tôi cũng vào thăm bạn được dăm bận. Vừa đặt chân tới nơi đã thấy rõ lý do tại sao bạn thích sống ở Vũng Tàu.

“Bạch Dinh”

Hôm ấy trời nắng đổ lửa. Giữa trưa, bác “xe ôm” đi vòng vèo trên triền núi qua rừng cây thưa tĩnh lặng và thả tôi xuống sân trước của một tòa biệt thự màu trắng vô số cửa sổ, kiến trúc theo phong cách châu Âu thế kỷ XIX với những phù điêu bên ngoài mang dáng dấp nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. “Bạch Dinh”.

Ở đây, hễ có hỏi dân bản địa về nơi nào đáng để đi thì ai nấy đều chỉ về hướng Tây, nơi có tượng Chúa Giêsu khổng lồ và “Bạch Dinh”. Bác “xe ôm” vui lòng ngồi nghỉ dưới bóng râm mát của những cây hoa sứ còn tôi đi vào bên trong, chân rón rén trên những bậc thang gác bằng gỗ.

Trong biệt thự giờ này không còn ai, chỉ có những cổ vật lặng lẽ trên giá kệ. Dinh thự 3 tầng nằm bên sườn Núi Lớn, được xây dựng trong 4 năm trời kể từ 1898 do Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn. Dường như ở nơi nào có Paul Doumer (1857-1932, là Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902, sau này trở thành Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932), ở đấy xuất hiện những biệt thự siêu sang. Trong khi trước đó vùng đất này chỉ là một bãi lầy cho thuyền buôn nước ngoài neo đậu nên thành ra mới có tên Vũng Tàu.

Vừa sang Việt Nam, Doumer đã cho xây dựng “Bạch Dinh” và tự đặt cho nó là Villa Blanche theo tên con gái mình, cũng có nghĩa là “Dinh thự màu trắng”.

“Bạch Dinh” khánh thành, chưa kịp ở thì Paul Doumer đã hết nhiệm kỳ trở về nước. Năm 1907 đến 1916, “Bạch Dinh” trở thành nơi giam lỏng Vua Thành Thái rồi lần lượt chuyển giao thành nơi nghỉ dưỡng của Toàn quyền Đông Dương, Vua Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Phòng ngủ của những chủ nhân ngôi biệt thự này nằm trên tầng ba, nơi đẹp nhất trong tòa nhà, với bộ tràng kỷ niên đại Khải Định và cặp ngà voi châu Phi ngạo nghễ trông ra biển. Sàn gỗ bóng loáng in những dấu chân xa hoa nhất vùng Trung - Nam qua hơn một thế kỷ. Giờ “Bạch Dinh” cũng đã trở thành bảo tàng, trưng bày đồ gốm cổ vớt từ những xác tàu đắm và súng thần công từ thuở nơi này còn là pháo đài Phước Thắng được Vua Minh Mạng xây dựng để bảo vệ biển Cần Giờ.

Đi xem đua chó…

Tôi xuống Vũng Tàu, có ý chọn ngày cuối tuần, chẳng phải để ngồi quầy bar cho đông đúc hay nhân lúc rỗi rãi, mà nhắm xem đua chó ở Sân vận động Lam Sơn. Thành lập từ năm 2000 bởi Công ty SES, đây là trường đua chó duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Phòng khám thú y dành cho chó đua của SES cũng được Chủ tịch Liên đoàn Chó đua thế giới công nhận là “Số 1 thế giới”. Vé vào xem trường đua là 40.000 đồng/vé khán đài ngoài trời và 80.000 đồng/vé phòng máy lạnh.

Đầu tiên xem đua chó thấy chẳng vui gì. Chỉ có 8 con chó Greyhound người gầy nhẳng, chân dài, bụng nhỏ xíu, mặc áo đánh số xanh đỏ cắm đầu cắm cổ chạy như bay theo một con mồi giả lắp vào thanh trượt trôi vòng tròn quanh sân vận động.

Với vận tốc 60km/giờ, gần bằng đà điểu châu Phi, chỉ một hai phút là hết vòng đua. Vậy mà người ta chen chúc, người ta hò, người ta hét, người ta cổ vũ, hớn hở. Hết một vòng, khán giả lại đổ xô vào quầy bán thẻ cá cược trên khán đài. Mệnh giá thấp nhất cho mỗi lần cược là 10.000 đồng.

Chọn “vận động viên” và đặt cược

Tôi cũng cược. Tôi cược 10.000 đồng. Dân cá độ chuyên nghiệp thì nghiền ngẫm các bảng đấu thắng thua rồi gạch xóa, tính toán như đang chơi số đề. Tôi đọc chẳng hiểu mấy, cũng chưa rõ lắm luật chơi nên đành cược đại theo... tên hay. Các vận động viên chó tên rất mỹ miều, có những cái tên đầy nam tính như Thế Khải, Hữu Phước, Tấn Phát, Phú Điền, có những tên tiểu thư kiểu Giáng Ngọc, Thiên Lan, Bích Châu, Yến Oanh, lại có tên giang hồ chưởng bộ như Hắc Báo, Hắc Phi, Tần Bố, Uy Vũ.

Tôi đặt cửa cho con Hoài Phong. Hoài Phong về bét. Tôi hăng tiết tăng cược lên... 20.000 đồng cho con Ella, kết thúc vòng đua, lãi tận 70.000 mà chẳng hiểu vì sao mình được. Từ lúc thua thua được được, thành ra tâm lý cay cú, rồi tôi cũng hớn hở cổ vũ, hò hét như điên lúc nào không biết. Con chó đặt cửa thành con chó yêu quý của tôi. Tôi quan sát dáng điệu, hành tung và cả eo bụng săn chắc của nó lúc xuất phát. Tôi hồi hộp khi nó lao như tên bắn theo con thỏ giả trên đường đua.

Để cho dễ bề lựa chọn, các huấn luyện viên trước mỗi vòng đua đều dẫn từng con đi diễu vòng quanh sân cho khán giả xem mặt, điểm tên. Đua chó không chia theo hạng cân như đua ngựa mà phụ thuộc vào thành tích của những vòng đua trước, những con chó có thành tích ngang nhau sẽ được xếp vào cùng một bảng bắt đầu từ D rồi lên hạng C, B, A...

“Vận động viên” Greyhound nào phong độ trồi sụt không đều sẽ nhanh chóng bị xuống hạng. Chó đua cùng bảng ngang sức ngang tài nên dân độ chó chuyên nghiệp nhiều khi mất trắng vài chục triệu khi cả tháng cứ “theo” mãi một con. Khách du lịch như tôi thì chẳng cần nghiên cứu gì, thường chọn chó để cược theo cảm quan. Có chú chó ra sân đi lững thững cà rù như cụ già dạo bộ. Bỏ qua. Có chú chạy nhắng nhít bên nọ bên kia. Thể thao là phải nghiêm túc. Bỏ qua.

Thể thao thường bất ngờ, khó lường và không thể đoán trước. Về nhất có thể là một chú khuyển lờ đờ như buồn ngủ, hoặc đôi khi có những cú lội ngược dòng, bứt phá ngoạn mục chỉ xuất hiện ở những giây cuối cùng. Vì thế mà người ta mới nghiện cá độ. Vì thế mà người ta mê đua chó. Và vì thế mà khối người đội nón ra đi hàng đống tiền của vì... thể thao chó.

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), dân ghiền cá độ đua ngựa cứ cuối tuần lên tàu cánh ngầm vượt biển sang Macau để đến trường đua, tối lại về. Ở Sài Gòn, dân mê cá cược đua chó chiều thứ bảy cũng xuống thuyền ra Vũng Tàu mà điên đảo với trường đua. Thể thao hay trò đỏ - đen, đều có thể gây nghiện là thế.

Phận chó đua cũng như phận ngựa đua

SES hàng năm vẫn tổ chức Cúp Tết Nguyên đán, cúp đua chó chuyên nghiệp với những khoản tiền thưởng lên tới nửa tỷ đồng. Phận chó đua cũng như phận ngựa đua. Chó Greyhound được nhập khẩu từ Australia, rồi nhân giống ở trại nuôi Vũng Tàu để xuất sang nhiều trường đua ngoại quốc khác. Khẩu phần ăn hàng ngày của chó là gần một cân Kangaroo hoặc bò Australia, đắt tiền hơn suất ăn của người.

Hàng ngày chó phải luyện tập chạy bộ, bơi lội, được massage, khám chữa bệnh, tất tật ở chế độ sang trọng. Nhưng khi chó xuống hạng, rồi mất hẳn phong độ cứ xuống hạng mãi do già nua, do bệnh tật thì đời chó thậm khổ. Trước, những “vận động viên… về hưu” thường được dân quanh vùng đến xin về nuôi, nhưng sau chẳng ai xin nữa. Chó “ngôi sao thể thao” ắt có đầy đủ đức tính “sao”.
Trước công chúng thì chói sáng, rời khỏi đường đua thì chẳng biết làm gì. Canh trộm cũng không tinh, chỉ giỏi đuổi gà, bắt mèo với bản năng Trời sinh của loài chó săn, ăn uống lại quý tộc tốn kém. Dân thường nuôi không nổi, trường đua cũng chịu, nên các cựu vận động viên thường được tiêm một mũi thuốc an thần để ngủ vĩnh viễn tại nghĩa địa chó ngay đằng sau khu huấn luyện.

Từ đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp tiếp quản Đông Dương, các trường đua ngựa và đua chó đã xuất hiện ở Sài Gòn. Nhưng rồi trò chơi mà nhân vật chính là những chú Berger đã bị chấm dứt nhanh chóng do thời ấy người ta buộc mèo vào đường đua để làm mồi thay vì chú thỏ giả bay phấp phới như ngày nay. Không may có lần con mèo sống bị sổng và tan tành xác pháo trước hàm răng nanh của lũ chó đua. Cảnh tượng đẫm máu ấy đã khiến đua chó bị chết yểu từ khi mới sơ khai.

Tôi rời khỏi trường đua lúc chưa muộn. Thua. Ngồi trước những máy đánh bạc và đứng trong các trường đua cá độ có mấy ai thắng bao giờ. Dạo bộ trên đường Hạ Long vắng lặng khi đêm về thấy lác đác giọt mưa, rồi mưa ào như trút nước. Lo không biết mưa thế các “vận động viên” chân dài, eo thon có còn phải chạy tiếp hay không. Mà mưa vậy, liệu những dân ghiền cá độ có thôi cay cú ăn thua với những chú khuyển đang cắm đầu cắm cổ chạy theo thỏ giả trên đường về đích?