(DVO) - Núi Tháp Lĩnh là khu rừng nguyên sinh nổi lên giữa trung tâm xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Từ xưa, nơi đây là chốn “cấm sơn” nên được bảo vệ cẩn mật. Trong rừng có hàng nghìn cây lim xanh (đường kính 2-3 người ôm) và hàng trăm loại cây, gụ, trai, trâm, trắc, dạ hương…
< Núi Tháp Lĩnh nhìn từ xa.
Nằm cách trung tâm huyện Yên Thành khoảng 7km về phía Bắc, khu rừng già nguyên sinh gần 20 ha của xã Hậu Thành mọc lên giữa những cánh đồng lúa mênh mông như một “lá phổi”, niềm tự hào của người dân nơi đây.
< Núi Tháp Lĩnh vẫn còn rất nhiều cây lim cổ thụ nghìn năm tuổi, đường kính 2 -3 người ôm.
Núi Tháp Lĩnh có hàng ngàn cây lim xanh từ to tới nhỏ. Có những cây lim hàng trăm năm tuổi, đường kính 2 - 3 người ôm không xuể. Ngoài cây lim, núi Tháp lĩnh còn có nhiều cây trai, gụ, trâm, trắc, dạ hương…đây là những loại gỗ quý.
Đặt chân đến núi Tháp Lĩnh, dễ dàng nhận thấy khu rừng lim xanh này còn giữ nguyên nét hoang sơ. Càng tiến sâu vào khu rừng càng chứng kiến nhiều cây lim xanh cổ thụ, thân, cành bám nhiều rêu mốc, buôn tán cây rộng trở nên uy nghi, hùng vĩ.
< Trải qua hàng nghìn năm, cây lim xanh vẫn phát triển xanh tốt, tỏa buôn tán cây một vùng rộng lớn.
Cụ ông Mai Huy Định (thủ từ Đền Cả) kể lại: “Theo thời xa xưa tu tạo, các bậc tiên linh nhận thấy đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, có núi Tháp Lĩnh linh thiêng, nên đã khai dân lập ấp ở đây. Nguyên sinh vùng đất đã có rất nhiều cây lim nhỏ, được sự chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nên rừng lim phát triển tốt, tồn tại cho đến bây giờ. Hiện nay, trong rừng có hơn một nghìn cây lim xanh lớn nhỏ, có rất nhiều cây đường kính lớn, được xem là “báu vật” còn sót lại trong khu rừng nguyên sinh ở xã đồng bằng này”.
Cũng theo cụ Định: “Người dân sống ở đây cũng không rõ những cây lim xanh cổ thụ bao nhiêu tuổi, mà vẫn thường gọi rừng lim xanh nghìn tuổi. Bởi các cụ cao niên trong xã lớn lên đã thấy rừng lim xanh đứng sừng sửng giữa vùng đất này rồi.
< Gốc cây lim xanh to 2 -3 ngồi ôm không xuể.
Sự tồn tại hàng nghìn cây lim xanh ở núi Tháp Lĩnh như một minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt, tinh thần lao động hăng say của người dân trong vùng”.
Đứng trên đỉnh núi Tháp Lĩnh, buông tầm mắt nhìn về phía Đông, trông thấy biển cả bao la. Biển và trời hòa quyện một màu xanh nên thơ và hùng vĩ. Về phía Tây, con đường Sen – Yên Thành nối liền với đường mòn Hồ Chí Minh trông như một dãi lụa mền ôm lấy xóm làng.
Ông Lại Văn Ngân (SN 1961) hơn 10 năm bảo vệ núi Tháp Lĩnh chia sẻ: “Tôi gắn bó rất lâu với công việc bảo vệ rừng lim nguyên sinh cho xã . Ngày nào không lên với rừng lim là nhớ, bảo vệ rừng lim là bảo vệ tài sản của cha ông để lại. Bởi thế, các bậc tiên linh luôn phù hộ, che chở cho con cháu trong dòng họ khỏe mạnh, làm ăn tiến tới”.
< Thân cây lim xanh cổ thụ, cành bám nhiều rêu mốc, buôn tán cây rộng khắp một vùng làm cho khu rừng trở nên uy nghi, hùng vĩ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Văn Luyến – Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Hiện trong rừng có hơn một ngàn cây lim lớn nhỏ, núi Tháp Lĩnh không chỉ được ví như “lá phổi” của xã Hậu Thành tạo không khí trong lành, cung cấp nguồn nước, thảm thực vật phong phú mà còn là một “trái tim”, nguồn sống và niềm tin của người dân nơi đây.
Trong Nghị quyết của xã đều nghiêm cấm khai thác gỗ trên núi Tháp Lĩnh. Hội đồng nhân dân xã Hậu Thành nêu quyết tâm biến núi Tháp Lĩnh trở thành một khu du lịch sinh thái phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, làm giàu cho quê hương, đất nước. Mong muốn khu rừng lim xanh nguyên sinh sớm xét duyệt công nhận là cây di sản Việt Nam”.
“Để bảo tồn được rừng lim xanh nghìn năm tuổi đến muôn đời, xã Hậu Thành đã trích ngân sách 1,3 triệu đồng/tháng thuê người bảo vệ núi Tháp Linh và Đền Cả. Đúi Tháp Lĩnh còn rất hoang sơ, nguyên sinh, nếu được các cấp quan tâm thì nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
< Bảo vệ rừng lim là bảo vệ tài sản của cha ông để lại.
Công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí. Đền Cả mặc dù đã được quy hoạch 0,3 ha để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong lòng núi Tháp Lĩnh thuộc đất lâm nghiệp nên các thủ tục hiện chưa được hoàn thiện”-ông Luyến trăn trở.
Năm 1885, thực dân Pháp nhiều lần cho người lên để phá hoại núi Tháp Lĩnh, nhưng bị nhân dân làng Đức Hậu đấu tranh quyết liệt, chúng phải thừa nhận hương ước của làng: “Hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây”. Từ đó, núi Tháp Lĩnh ngày một xanh tươi. Trong phong trào Văn Thân, núi Tháp Lĩnh là nơi hội tụ các sĩ phu yêu nước.