< Thiếu nữ Cơtu thôn Pà Xua đón khách vào thăm bản.
Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nằm trên vùng rừng núi Trường Sơn, phía Tây giáp Lào, cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km về phía Tây Nam và thành phố Tam Kỳ của Quảng Nam 120 km về phía Tây Bắc. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Cơtu, Ve, Tà Riềng.... trong đó đồng bào Cơtu chiếm khoảng hơn 60% dân số. Nam Giang phong cảnh hữu tình, núi non sông nước hoang sơ hùng vĩ.
< Vẻ đẹp mạnh mẽ như những chiến binh của các chàng trai Cơtu thôn Pà Xua.
Mặc cho cái nắng như đổ lửa, những chàng trai cô gái Cơtu đang độ tuổi trăm rằm với làn da nâu khỏe khoắn và ánh mắt sáng long lanh như con báo hoang giữa rừng già, vẫn cuồng nhiệt nhảy điệu tung tung da dá chào đón du khách trong tiếng trống chiêng lừng vang như muốn làm sống dậy cả đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
< Các chàng trai cô gái người Cơtu múa điệu tung tung da dá, một điệu múa truyền thống nổi tiếng của người Cơtu.
Sân nhà gươl thôn Pà Xua, xã Tà Bhing như rung lên theo từng nhịp nhảy. Tiếng dậm chân thình thịch, tiếng hú, tiếng hò reo cùng với hình ảnh những đôi vai trần vạm vỡ loáng ướt mồ hôi và bóng tà áo thổ cẩm dệt cườm sắc đỏ đen lướt đi trong gió khiến cho du khách như ngất ngây với vũ điệu đầy mê hoặc của núi rừng.
< Vẻ đẹp đậm chất núi rừng của những chàng trai cô gái Cơtu trong vũ điệu tung tung da dá.
Cha Hiếp Vân, cô bé người Cơtu có dáng người nhỏ nhắn, nước da đen giòn và nụ cười tươi như đóa lan rừng hứng khởi giới thiệu với đoàn khách quý về vũ điệu đặc biệt của dân làng mình, một vũ điệu nổi tiếng thường xuất hiện trong nhiều lễ hội lớn của người Cơtu như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ dựng nhà gươl... và giờ là vũ điệu chào khách quý đến thăm bản làng.
< Thiếu nữ Cơtu thân thiện chụp ảnh kỷ niệm với du khách.
Trong trí nhớ của già Zuông Noonh ở thôn Pàrông, xã Tà Bhing, mươi năm trước Nam Giang nghèo lắm chứ chẳng được như bây giờ. Thời ấy, đồng bào Cơtu quanh năm chỉ biết đi rừng đốt nương làm rẫy, săn con nhím con cầy để ăn, thậm chí khổ quá nhiều người làm liều phá cả rừng để sống, thành ra nạn phá rừng từng một thời là nỗi nhức nhối trong đời sống của người dân và chính quyền.
< Cha Hiếp Vân và các thiếu nữ Cơtu thôn Pàrông tặng quà lưu niệm cho khách đến thăm bản của mình.
Thế rồi mọi chuyện bắt đầu đổi thay kể từ khi tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế (FIDR) Nhật Bản tìm đến giúp họ khôi phục nghề dệt cườm, một loại thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của người Cơtu, và hỗ trợ kế sinh nhai bằng cách phát triển du lịch cộng đồng. Dự án này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
< Du khách hào hứng trải nghiệm kỹ thuật giã gạo bằng chày đôi của người Cơtu.
Cách đây chừng mươi năm, cả xã Tà Bhing chỉ có 4 người phụ nữ biết dệt cườm, giờ thì đã thành một cái hợp tác xã lớn với hơn 40 người. Sản phẩm làm ra đa dạng, không chỉ là chiếc áo, chiếc váy mặc hàng ngày mà đã có nhiều món quà lưu niệm xinh xắn có giá trị văn hóa đối với khách du lịch nước ngoài.
< Du khách khám phá đời sống của một gia đình truyền thống người Cơtu ở thôn Pàrông, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang.
Năm 2016, xã Tà Bhing có thêm một hợp tác xã làm du lịch. Bà con Cơtu tự nguyện tham gia bằng cách chỉnh trang làm đẹp nhà cửa, thôn bản để đón khách. Mỗi thôn đóng góp một đặc sản để biến cả xã thành một tour du lịch khép kín.
< Già Zuông Noonh ở thôn Pàrông, xã Tà Bhing đan gùi và các sản phẩm mây tre truyền thống để phục vụ du lịch.
Ví dụ như thôn Pàla tổ chức tour ẩm thực phục vụ du khách bằng những món ăn truyền thống mang đậm hương vị núi rừng, thôn Pàrông trình diễn các sinh hoạt truyền thống của người Cơtu như giã gạo, vót chông, đặt bẫy, đan gùi…, thôn Zơra thì dệt cườm, thôn Pà Xua thì có đội múa tung tung da dá với đội hình gồm nhiều chàng trai cô gái đậm chất Cơtu…
< Vẻ đẹp hồn hậu, tươi sáng của người Cơtu ở Nam Giang.
Cái hay trong cách làm du lịch của đồng bào Cơtu ở Nam Giang là gắn mọi hoạt động với đời sống và văn hóa cộng đồng. Tất cả mọi người trong thôn đều tham gia, cùng làm cùng hưởng, không ai cạnh tranh ai. Lúc có khách thì mọi người cùng chung nhau làm, lúc vắng khách lại trở về lo việc nhà, việc nương rẫy như thường lệ. Vì thế du khách đến Tà Bhing được khám phá và tận hưởng một đời sống văn hóa bản địa hết sức tự nhiên và đầy thú vị.
< Du khách khám phá kỹ thuật dệt cườm truyền thống của đồng bào Cơtu ở thôn Zơra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang.
Điều hành mọi hoạt động du lịch ở Tà Bhing là Briu Thương, một anh chàng Cơtu mới 31 tuổi nhưng được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Với sự hỗ trợ, quảng bá của FIDR, khi có khách Briu Thương sẽ nhận tour và phân công cho các thôn cùng triển khai thực hiện.
< Già Hôih Cối ở thôn Pà Vả, xã Tà Bhing, được mệnh danh là báu vật sống về âm nhạc truyền thống của người Cơtu ở Nam Giang.
Khách đến Tà Bhing đầu tiên sẽ được đưa đến khám phá đời sống thôn bản người Cơtu ở thôn Pàrông, sau đó đi xem nhà gươl và múa tung tung da dá ở thôn Pà Xua, đến trưa thì nghỉ và ăn trưa thưởng thức ẩm thực của đồng bào Cơtu trong nhà gươl ở thôn Pàla, sau đó đi xem dệt cườm ở thôn Zơra.
< Già Hôih Cối khoe với du khách chiếc vòng đeo cổ được làm bằng hai chiếc nanh lớn của lợn rừng.
Tour khám phá ở Tà Bhing tuy ngắn, chỉ gói gọn trong một ngày nhưng rất hấp dẫn và đầy đủ, không gây nên cái cảm giác dàn trải và nhàm chán như một số tour du lịch cộng đồng thường thấy khác. Vì thế khách nước ngoài, nhất là khách Nhật Bản, Hàn Quốc khi đến Quảng Nam thường rất thích khám phá tour du lịch độc đáo này.
< Du khách tìm hiểu các sản phẩm truyền thống do người Cơtu làm ra để phục vụ du lịch.
Được biết, năm 2017, Hợp tác xã du lịch Tà Bhing đạt lợi nhuận 600 triệu đồng. 70% được chia cho người dân ở các thôn tham gia cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, người dân ở các thôn còn thu được hơn 300 triệu đồng từ việc bán quà tặng thủ công do mình làm ra. Số tiền tuy không nhiều nhưng là một khoản thu nhập đáng kể của người Cơtu ở Tà Bhing để chăm lo cho cuộc sống.
< Du khách thưởng thức ẩm thực đậm hương vị núi rừng của người Cơtu trong không gian nhà gươl truyền thống.
Hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng bền vững đã giúp cho người Cơtu ở Nam Giang phát triển đời sống và giữ gìn được bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Nhờ đó mà điệu tung tung da dá của người Cơtu sẽ còn sống mãi với núi rừng Trường Sơn, trở thành nguồn cảm hứng và tiếng lòng đầy mời gọi của mảng đất Nam Giang hùng vĩ.