Random Posts

header ads

Tạo dáng cho đồi chè

(ĐTTCO) - Mỗi khi nhắc đến Phú Thọ, người ta nghĩ đến vùng Đất Tổ-Vua Hùng, bưởi Đoan Hùng, hát xoan…

< Những nương chè bạt ngàn bên dưới là ruộng lúa.

Nhưng ở mảnh đất trung du và miền núi này còn một dấu ấn đậm nét khác trong đời sống kinh tế và xã hội, đó chính là các nông trường trồng chè. Bằng bàn tay lao động, khối óc sáng tạo của người dân ở các thôn, bản, nhiều vùng chuyên canh trồng chè đã ra đời. Tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, chè đã trở thành cây trồng chủ đạo mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân.

Đặc biệt, với sự chăm sóc và tạo hình ấn tượng, những nương chè đẹp mắt đã ra đời trên miền đất Tổ.

< Bến nước, bụi tre, nương chè mang vẻ đẹp bình dị ở miền cao Phú Thọ.

< Đồi chè được bàn tay con người vạt thành hình dạng tròn.

Nhiều vùng trồng chè ở miền núi phía Bắc như: Mộc Châu (Sơn La), Tân Cương (Thái Nguyên), hay Suối Giàng (Yên Bái)… nhưng không nơi nào nương chè lại có hình dáng độc đáo và đẹp mắt như ở vùng Tân Sơn, Thanh Sơn (Phú Thọ).

< Ngôi nhà và hồ nước bình dị dưới chân nương chè.

< Nương chè như những chiếc lồng bàn  màu xanh khổng lồ úp xuống mảnh đất Tân Sơn, Thanh Sơn. Giữa nương chè là một số cây trồng lấy bóng mát.

Thập niên 80 của thế kỷ XX, hàng chục ngàn người ở dưới xuôi đã lên miền cao Phú Thọ để xây dựng vùng kinh tế mới. Khi đó rất nhiều quả đồi do bàn tay con người  xén, vạt thành hình dạng tròn xoe, rồi sau đó được trồng phủ kín bằng màu xanh của cây chè.

< Khung cảnh thật bình dị và thân thương của làng quê.

Đến hôm nay, nhìn từ trên cao hay từ đằng xa, chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp của sức lao động. Những nương chè non màu xanh biếc, còn nương chè già mang màu xanh thẫm như những chiếc lồng bàn khổng lồ úp giữa đất trời. Rất nhiều lữ khách đã bị mê hoặc khi tham quan các nương chè ở đây.