(LĐO) - Nằm nép mình dưới đỉnh núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, địa danh chợ Tam Đường đất (thuộc tỉnh Lai Châu ngày nay) là điểm trung tâm của 3 tuyến đường ngựa thồ nối với các huyện Phong Thổ, Bình Lư, Than Uyên nên bà con các dân tộc trong vùng chọn làn nơi họp chợ, mua bán, trao đổi sản vật.
< Góc bày bán lợn mán (hay còn gọi là lợn tên lửa) của những người phụ nữ Mông ở chợ phiên San Thàng.
Theo thời gian, các tuyến đường mới được xây dựng, nên khu vục chợ Tam Đường đất không còn là nơi là trung tâm của vùng, bà con lấy tên khu vực họp chợ là bản San Thàng làm tên mới cho phiên chợ cổ xưa này. Vật đổi sao dời, chợ San Thàng vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng nguyên thủy của phiên chợ vùng cao Tây bắc.
< Những người phụ nữ Mông ở xã Tả Lèng ôm gà xuống chợ bán. Hàng hóa ở chợ chủ yếu được bà con tự sản xuất và mang đến chợ mua bán.
Dulichg
Họp trên một khoảng đất khá rộng ngay bên suối San Thàng (xã San Thàng, TP. Lai Châu), chợ phiên San Thàng họp vào chủ Nhật hằng tuần.
< Đứa trẻ dân tộc Mông ở xã Sin Suối Hồ, huyện Tam Đường (cách chợ phiên San Thàng 30 km) ngủ trên lưng cha đến chợ phiên.
Chợ có tự bao giờ khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người vùng núi Hoàng Liên Sơn chợ phiên San Thàng quan trọng lắm. Là chợ phiên lớn nhất của tỉnh Lai Châu, chợ San Thàng không chỉ là nơi mua bán, trao đổi sản vật của bà con các dân tộc Dao, Mông, Thái, Giáy, Lự... trong vùng mà còn là địa điểm để bà con gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.
DDDD< Gánh hàng xôi nếp cẩm của người phụ nữ dân tộc Giáy ở chợ phiên San Thàng.
Ngày xưa, khi chưa có đài, tivi, điện thoại, phiên chợ này cũng là điểm quan trọng của tỉnh Phòng Tô (tên gọi cũ của hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai thời Pháp thuộc) để bà con trao đổi thông tin về họ hàng người thân ở khác xã, khác bản.
< Người Giáy ở San Thàng nổi tiếng với sự khéo léo trong việc làm những loại mỳ, bánh, bún truyền thống.
Người vùng ta đến chợ để tìm bạn, kết bạn, trai gái nơi này tìm bạn tình chủ yếu qua chợ phiên. Người ta đến chợ phiên còn để tìm bạn cũ, cũng là nơi gần như duy nhất, có thể hy vọng, tìm lại một nửa, ngày xưa nhỡ lỗi hẹn.
< Vào thời điểm này đang là mùa măng rừng của vùng Tây Bắc. Những người phụ nữ dân tộc Lự bày bán các loại măng như măng tre, măng nứa, măng luồng, măng vầu...
Ở San Thàng đến bây giờ, vẫn còn có những người già đến chợ, không mua bán gì, lặng lẽ đi khắp chợ, gặp ai cũng nhìn, như tìm ai đó, rồi lại lặng lẽ về lúc xế chiều chợ tan. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với những người dân của tỉnh cực bắc Lai Châu, phiên chợ San Thàng vẫn mãi là ngày hội, tuần có một lần.