(NLĐ) - Chỉ sau hơn 14 năm "ra riêng", từ một tỉnh nghèo khó nhất vùng, Hậu Giang chuyển mình mạnh mẽ đến ngỡ ngàng. Thế nhưng, ngạc nhiên hơn là giá cả sinh hoạt ở đây thấp như ở thời điểm thập niên 90 của thể kỷ trước.
Tôi trở lại Hậu Giang vào những ngày đầu tháng 4 nắng như đổ lửa. Đoạn từ thị xã Ngã Năm qua thị xã Long Mỹ, TP Vị Thanh tuy không dài lắm nhưng mặt đường hẹp nên phải đi chậm. Qua rất nhiều cánh đồng lúa nhà cửa lưa thưa, cuối cùng khu dân cư sầm uất cũng hiện ra trước mặt. Nhìn từ xa, tôi đoán được đó là trung tâm thị xã Long Mỹ.
Cà phê 5.000, hủ tiếu 10.000 đồng
Trước khi đến đây, tôi đã xem qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong cả nước. Theo đó, ĐBSCL có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước, Hậu Giang là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất ĐBSCL. Mặc dù vậy, tôi cũng không khỏi bất ngờ và không tin vào mắt mình với hàng loạt quán ăn niêm yết giá: Hủ tiếu - mì 10.000 đồng, bún thịt nướng 10.000-12.000 đồng, cơm tấm 12.000 đồng, cơm phần 15.000 đồng.
Chưa biết chất lượng ra sao nhưng với giá cả đó chắc chắn chỉ bằng 1/2 so với các thị xã, TP trong vùng. Ngoại trừ ở khu vực nhà máy, xí nghiệp hay các trường đại học ở Cần Thơ có thể bắt gặp được một vài chỗ bán với giá đó cho công nhân và sinh viên, tuyệt nhiên khó thể tìm thấy ở nơi nào, kể cả vùng nông thôn hẻo lánh.
Đã thấm mệt vì vượt đoạn đường dài trong cái nắng oi ả, tôi định ghé vào một quán nước ven đường nghỉ chân nhưng suy nghĩ lại quyết định tìm một trong những quán sang nhất thị xã để xem giá cả thế nào. Tôi ghé vào một quán cà phê trên đường 3 Tháng 2, đường trung tâm của thị xã. Quán được đầu tư khá lớn, rộng hàng ngàn mét vuông, một trệt một lầu và có WiFi, máy lạnh. Sau khi gọi ly cà phê thương hiệu Trung Nguyên, nhìn vào bảng giá tôi lại càng bất ngờ vì chỉ… 8.000 đồng.
Tôi hỏi người chủ quán tên Thành bán vậy biết bao giờ thu hồi vốn? Anh cười xòa, bảo:
"Ở đây ai cũng bán vậy, ngoài lề đường thậm chí có 5.000 đồng một ly cà phê, mình nâng giá thì ế chết. Tôi đầu tư quán hơn 10 năm nay, không tính nhà cửa thì chi phí đầu tư cũng vài trăm triệu đồng. Từ trước đến giờ chưa bao giờ nâng giá nhưng cũng không giảm chất lượng nên buôn bán cũng được, dù không lời nhiều. Anh uống cà phê của tôi thấy thế nào? Tuy không phải loại thượng hạng nhưng tôi cũng mua loại tương đối ngon và sạch, xay rang tại chỗ luôn đó".
Thành phố dễ sống
Rời thị xã Long Mỹ, tôi đi thêm hơn 21 km nữa theo Quốc lộ 61B là đến TP Vị Thanh. Tôi như không còn nhận ra một thị xã Vị Thanh nghèo nàn, lạc hậu như thuở mới tách ra từ Cần Thơ hơn 10 năm trước. TP trẻ này hiện có cơ sở hạ tầng thuộc hàng nhất nhì ĐBSCL. Đường nào cũng rộng và đẹp.
Đặc biệt, so với các TP lớn trong vùng, ở đó không thiếu bất cứ khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm lớn nào, thậm chí còn vượt trội hơn. Dù đang có tốc độ phát triển nhanh như gió nhưng TP này lại có nhịp sống chậm rãi và yên bình.
Chạy dọc trung tâm TP là kênh Xà No, từng được mang danh là "con đường lúa gạo" của vùng Tây sông Hậu, nay đã được cải tạo, bờ được kè bê-tông; hai bên là hai đường phố rộng rãi mang tên Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ cùng những hoa viên thoáng mát. Trong TP có nhiều tuyến đường rộng rãi, với những cụm công trình công sở, khu dân cư, khu thương mại, quảng trường... Thi thoảng lại có những cây cầu to, dài và đẹp với dáng cong vắt qua 2 trục đường và con kênh để nối 2 phân khu của TP với nhau…
Lướt qua vài nhà nghỉ, khách sạn trên đường dẫn vào trung tâm TP, tôi phải dừng lại trước một nhà nghỉ bởi cái bảng giá ghi con số màu đỏ to: "Phòng máy lạnh: 50.000 đồng/đêm".
Trước khi tìm chỗ ăn uống và nghỉ ngơi, tôi quyết định ghé vào một quán nước ven đường gọi ly cà phê và bảo chủ quán tính tiền luôn. Tôi phải hỏi lại tới 3 lần mới chắc chắn chủ quán tính ly cà phê đá đúng 5.000 đồng!
Có lẽ do giá rẻ vậy mà có rất nhiều người lao động nghèo ở các tỉnh lân cận đến đây mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là những người bán vé số dạo.
Ngồi uống nước chỉ khoảng 15 phút mà có đến cả chục người đến mời mua vé số, cuối cùng tôi đồng ý mua của một người đàn bà trông hiền lành và khắc khổ. Chị tên Nguyễn Thị Út, quê thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chị cho biết một lần nghe đồng nghiệp nói qua Hậu Giang dễ bán vé số và chi phí sinh hoạt thấp nên chị đi thử một chuyến rồi quyết định thuê phòng trọ ở đây bán vé số được gần 1 năm.
"Tôi thuê nhà trọ mỗi tháng 500.000 đồng, chỗ ở cũng tương đối an ninh và sạch sẽ, còn chỗ "bèo" hơn giá chỉ 300.000 đồng/tháng. Ăn uống các thứ cũng rẻ nên bán có dư hơn ở quê, có tiền gửi về nuôi con ăn học. Không đâu như TP này, ở thị xã Giá Rai quê tôi từ thời còn là huyện mà kiếm đỏ mắt cũng không ra phòng trọ giá 500.000 đồng như giữa TP này" - chị Út bộc bạch.
Chị chủ quán cà phê tên Thủy thổ lộ chị đã đến nhà người thân ở các TP khác trong vùng và cảm nhận chưa nơi nào dễ sống như TP quê hương. Chị bán cà phê giá rẻ lời không bao nhiêu nhưng sáng chỉ cần cầm 50.000 đồng ra chợ là đủ mua rau, cá cho gia đình dùng cả ngày.
"Tôi có nhiều người thân ở Cà Mau, Kiên Giang nhưng mỗi lần về đó, ai cũng cười vì mua cái gì tôi cũng chê đắt. Bởi vì tôi đã quen với mức sống ở đây rồi. Thử nghĩ, ở đây ăn sáng 15.000 đồng, qua bên đó là 30.000 đồng; uống ly cà phê quán cóc cũng 10.000 đồng, vô quán sang hơn thì đa số từ 12.000-15.000 đồng thì làm sao chịu nổi" - chị Thủy tiếp lời.
Tôi quyết định làm thêm một phép thử là vào một quán cà phê có thương hiệu ở TP này gọi đồ uống. Khi tính tiền cũng chỉ có... 8.000 đồng/ly. Đến đây thì tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi chi phí sinh hoạt nơi đây và quyết định tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi. Ghé vào một quán cơm mới mở chưa lâu, bàn ghế sạch sẽ, không gian rộng rãi. Vào quán, tôi gọi phần cơm với cá lóc đồng kho tộ và canh chua. Sau bữa ăn khá ngon miệng, tôi chỉ phải trả 15.000 đồng. Trong khi ở các tỉnh khác, thấp nhất cũng phải 30.000 đồng.
Ngay cả khách sạn tương đối tiện nghi với đầy đủ máy lạnh, tivi, tủ lạnh, máy nước nóng... cũng chỉ mất 150.000 đồng/ngày cho một phòng đơn.
Đêm xuống, tôi dạo bước dọc theo bờ kênh Xà No soi bóng cả một góc phố lung linh, rồi tình cờ gặp nhóm người quen từ Hà Nội về Hậu Giang công tác kết hợp tham quan. Chúng tôi vào một nhà hàng khá đẹp gọi vài món đặc sản của địa phương, như: Chả cá thát lát tươi, cá thát lát tẩm gia vị, khóm, lươn nấu mẻ… Đến khi tính tiền, ai cũng bất ngờ và thú vị với cái hóa đơn. Còn với tôi thì chuyện giá cả ở đây không còn bất ngờ nữa...
Một trung tâm lúa gạo
Hậu Giang là một tỉnh ở ĐBSCL, thành lập năm 2004 được tách ra từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ hiện nay là TP Vị Thanh cách TP HCM 240 km về phía Tây Nam, cách TP Cần Thơ 60 km theo Quốc lộ 61 và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh - TP Cần Thơ. Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mekong, thuộc khu vực nội địa của ĐBSCL.
Vùng đất thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay trước năm 1956 nằm rải rác thuộc 2 tỉnh Cần Thơ và Rạch Giá. Từ năm 1957, toàn bộ vùng đất tỉnh Hậu Giang ngày nay thuộc tỉnh Cần Thơ. Tháng 3-1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị hành chính là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26-12-1991, tỉnh Hậu Giang được chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26-11-2003, Chính phủ có quyết định tách tỉnh Cần Thơ thành TP Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Hậu Giang còn là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Ngoài lúa và cây ăn quả các loại, tỉnh có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc.