Random Posts

header ads

Đi dầu ở Dốc Bay

(BBĐ) - Từ xưa, dầu rái đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Khoa học quân sự và kỹ thuật xây dựng cũng quan tâm đến vật liệu này. Ở tỉnh ta, đã có nhiều nơi khai thác dầu rái như là một nghề truyền thống, trở thành nguồn thu nhập chính của một số hộ dân ở Định Bình (Hoài Đức, Hoài Nhơn), Canh Giao (Canh Hiệp, Vân Canh)… Ở Tây Sơn, có hẳn một địa danh mang tên xóm Dầu…

Một lần đi dầu

Ông Sáu Lả, năm nay 53 tuổi, từng đi dầu từ năm 16 tuổi, là một trong những người đi dầu có thâm niên ở xóm Dầu (thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn). Một ngày đầu năm, ông nhận lời đưa tôi lên núi Dốc Bay, nơi dân xóm Dầu thường khai thác dầu rái. Chúng tôi khởi hành từ trụ sở UBND xã Tây Xuân lúc 10 giờ trưa, đi qua thôn Đồng Sim, làng Cam đến chân núi Dốc Bay rồi leo núi.

Đường lên Dốc Bay là những con dốc dựng đứng, đầy sỏi đá. Sáu Lả thuộc lòng từng “đường dầu”. Đó là những con đường được phát rộng, thoáng; các cây nhỏ ven đường bị chặt tận gốc, khác với “đường gỗ” hẹp và chật chội mà bọn lâm tặc thường dùng để kéo gỗ. Đã gần mười năm, Sáu Lả không đi dầu ở Dốc Bay nữa, nên phải loay hoay mất gần một giờ, chúng tôi mới tìm thấy gốc dầu đầu tiên.

Thông thường, dầu rái trên 10 năm tuổi mới khai thác được. Cây dầu rái trước mặt chúng tôi cỡ 20 năm tuổi, cao chừng 15m. Cạnh đấy, cách 5m lại có một gốc dầu khác, tất cả đều đã được mở miệng. Miệng dầu đã mở gọi là mặt vát. Cây nhỏ có một mặt vát, cây cỡ lớn 2-3 người ôm thì mở 3-4 mặt; các mặt không được đối xứng nhau để khi hơ lửa, dầu chảy không trùng nhau.

Để mở miệng cho cây dầu, người ta thường dùng loại rìu chuyên dụng, lưỡi sắc, cán dài chừng 6-7 tấc. Người mở miệng dầu phải có kinh nghiệm; mở không khéo, dầu chảy ra ít, lại ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây. Phải mở sao cho mặt vát nhẵn đều, rãnh vát xuôi xuống miệng cối. Cối là một chỗ khoét lõm trên mặt đất cạnh gốc dầu, khi lứa dầu đầu tiên chảy xuống, người ta để cho dầu đông cứng lại hình thành bề mặt cối. Một cối dầu đầy bằng khoảng ba vá múc canh.

Sáu Lả dùng rựa chặt mấy lá nón, nhóm lửa hơ héo, bôi một ít dầu để làm rùi vạt, rồi mồi lửa, đưa lại gần mặt vát. Ngọn lửa gặp hơi dầu, cháy mỗi lúc một to. Khi mặt dầu đã “chín”, ông nhanh tay dùng phần rùi vạt còn lại chùi mặt vát cho đến khi thật láng. Nếu mặt dầu còn “sống” dầu vẫn chảy ra, nhưng khi múc dầu về rồi, lứa dầu tiếp theo không chảy ra nữa. Những giọt dầu cuối cùng đông lại gọi là dầu nguội.

Thông thường, với một mặt vát mới mở, phải đốt năm lửa, mỗi lửa cách nhau bảy ngày. Sau lần đốt thứ bảy, lứa dầu đầu tiên được múc, gọi là dầu vạt. Bảy ngày sau, lên đốt một lần là lấy được dầu, gọi là dầu hơ. Sau bảy lần đốt tiếp theo, mặt dầu đen lại, cũng là lúc phải vạt lại mặt vát. Lứa dầu đầu tiên của lần vạt này gọi là dầu vạt hai. Cứ như thế tiếp tục khai thác.

Để đựng dầu, dân đi dầu dùng xải và dùng mây hèo uốn cong, cố định vào hai bên thân thùng dầu. Để múc dầu từ cối vào xải, phải dùng vẹt. Vẹt gần giống với loại bay chai của thợ xây, nhưng cán dài hơn, thường khoảng 60cm. Khi xải đầy dầu, dùng lá đèn hơ héo, đậy kín nắp xải, lấy mây hèo quấn kín quanh miệng xải, để dầu không bị đổ khi gánh xuống núi…

Những người đi dầu cuối cùng

Từ thời xưa, xóm Hòa Đông (thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân) đã được gọi là xóm Dầu. Trước giải phóng, xóm Dầu có hơn 70 người làm nghề khai thác dầu rái. Hiện giờ, chỉ còn 13 người thường xuyên đi dầu. Trong đó, có tám người đi dầu ở núi Dốc Bay (thuộc thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân), như ông Nguyễn Hữu Phước, Trần Văn Phượng, Phạm Sanh…; năm người ở rừng Lộc Đổng (cạnh sông Cút, thuộc địa bàn xã Vĩnh An, Tây Sơn), như ông Huỳnh Phan Hổ, Trần Ngọc Dung, Võ Văn Thính…

Nếu khai thác ở Dốc Bay thì đi về trong ngày. Nếu đi Lộc Đổng, phải đi xe đạp lên gửi ở làng Xà Tang, xã Vĩnh An, đi bộ đến khu vực khai thác phải mất nửa ngày. Những người đi dầu Lộc Đổng thường lập thành nhóm ba đến năm người, cùng dựng chung một cái chòi bên suối, để sẵn trong đó các đồ dùng cần thiết như xoong nồi, chén bát, võng chiếu…

Mỗi lần đi dầu, họ lại mang theo gạo, trà, cà phê… Sau buổi làm việc tản mác ở khu vực riêng của mỗi người, họ lại tập trung về chòi, nấu nướng, ăn uống nghỉ ngơi. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài từ ba đến bốn ngày. Những chuyến đi dầu đúng mùa (tháng 2 và tháng 8 âm lịch), người có nhiều dầu như ông Dung, ông Thính, thu được hơn ba xải dầu (một xải dầu tương đương 22,5kg), còn những người ít cây như ông Sanh, mỗi lần chỉ thu được khoảng hơn 1,7 xải. Những năm 90, hai xải dầu bán được 180.000 đồng, giờ khoảng 420.000 đồng.

Ban đầu người mua dầu chủ yếu bán lại để trét ghe bầu, sõng nan, làm nón… Khi lượng dầu khai thác nhiều hơn, xóm Dầu nổi tiếng, các thương lái khắp nơi tìm đến. Gần thì ở thị trấn Phú Phong, Quy Nhơn; xa thì ở Sông Cầu (Phú Yên), Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ngay tại thôn Phú Hòa, giờ vẫn còn nhiều người làm nghề mua dầu rái, như ông Trần Văn Dũng, bà Bùi Thị Chương, bà Lê Thị Bảy…

Nghề đi dầu gắn bó với người dân xóm Dầu từ bao đời nay, đến giờ, nhiều người vẫn cố giữ lại để truyền cho con cháu như một thứ của “hồi môn”. Xưa, dầu rái nuôi sống người dân xóm Dầu. Nay, dầu rái là “cứu cánh” khi kinh tế gia đình thiếu hụt. Mỗi lần có giỗ quải, người xóm Dầu lại lên núi. Chỉ vài xải dầu, cũng đủ lo cho cái giỗ tinh tươm, sắm sửa Tết nhất đủ đầy.

Nghề đi dầu cũng tiềm ẩn những nguy hiểm. Đáng sợ nhất với người đi dầu là khi đốt, lửa lan lên trên mặt vát, bén lên cháy thân cây, nếu không kịp thời dập, lửa sẽ cháy lan sang các cây khác, cháy rừng như chơi. Người đi dầu lâu năm luôn thủ sẵn bên mình một cành cây tươi nhiều lá. Khi lửa vừa lan lên khỏi mặt vát thì nhanh tay dùng cành cây tươi bắt từ trên kéo xuống, lửa sẽ tắt từ từ. Tuyệt đối không được đập lung tung, dầu bắn sang người, rất dễ bắt lửa, phỏng da.

Nghề đi dầu nhiều rủi ro, nên ngoài việc kiêng cữ nhiều thứ, người đi dầu thường cúng mở rừng đầu năm mới. Khoảng mồng mười tháng giêng, tại chòi bên bờ suối, người đi dầu chung nhau mâm cúng với đủ các lễ vật như đầu heo, gà, trái cây… Người lớn tuổi nhất đứng khấn vái: “Vái với hà bá sơn lâm, vái cô vái bà vái cậu, vạn cây vạn lá, vạn đá vạn gộp về hưởng lễ vật, phù hộ cho các chủ bình yên tử tế, đêm nằm hơn năm ở, chân cứng đá mềm, chân kiềm đá vững, vạn sự bình an…”.

Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho biết: “Khai thác dầu rái là nghề truyền thống có từ lâu đời ở thôn Phú Hòa. Hiện xã chưa có thống kê chính xác về sản lượng khai thác cũng như giá trị kinh tế của cây dầu rái. Việc khai thác hoàn toàn mang tính tự phát, không có bất cứ sự quy hoạch hay tính toán nào để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Thời gian gần đây, dầu rái đã có dấu hiệu cạn dần, số người làm nghề vì thế cũng giảm hẳn”.