Tây Nguyên Đại Ngàn
Đại ngàn Tây Nguyên
Vào mùa khô, khắp nơi nơi những con thác mất đi vẻ hùng vĩ của mình khi dòng nước trong nguồn khô hạn thì nhóm chúng mình ngược biển đến với Tây Nguyên tìm kiếm chút xanh mát về cuối cuộc hành trình. Đến với Buôn Mê, đoàn dừng chân ở Làng Cà Phê Trung Nguyên, thực ra ở đất cà phê này thì quán cà phê lớn nhỏ khắp mọi nẻo đường không thua gì mật độ cà phê dày đặc ở Sài Gòn hoa lệ nhưng đây lại là quán cà phê của ông vua không ngai Đặng Lê Nguyên Vũ. Tới với xứ sở này, giờ đây con voi Tây Nguyên đã lùi vào dĩ vãng bởi có lẽ tác động mạnh mẽ của các nhóm vận động chống ngược đãi động vật, thay vào đó Buôn Mê Thuột nổi lên bởi chính nội lực của mình là cà phê tươi ngon sạch ngay trên mảnh đất đất đỏ bazan. Mình không hảo món thức uống này nên chỉ đến xem cho biết người ta "nhiều tiền để làm gì". Giá cả mặt bằng chung thì khá là cao bởi chuỗi quán của Trung Nguyên có giá thành trên phân khúc bình dân khá nhiều, quán trang trí tiểu cảnh hoành tráng với thác nước, vườn cây và những nhà rường gỗ rất xịn và cổ kính. Bạn nào thích phong cách kiểu cổ cổ thì tìm đến đây khá thích hợp. Tuy nhiên một ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà cổ lại đặt trong không gian của đất cà phê Tây Nguyên đại ngàn thì mình cũng không hiểu ý đồ của chủ nhân muốn gửi gắm là gì.
Slogan của "chủ tich Vũ" nhan nhản khắp nơi
Quanh quán có trang trí một số slogan mà chỉ cần đi qua là hiểu người đầu tư nơi này có những trải nghiệm tâm linh/cảm xúc khá huyền bí với cuộc đời. Thích hay không thích thì mình nhường lại cho người yêu cà phê đánh giá cho công bằng.
Điều đầu tiên mình chú ý nhất là ở Buôn Mê có nhiều muỗi, và hoàng hôn Buôn Mê thì đẹp đến thẫn thờ. Giữa những tán xanh, ánh mặt trời lịm dần lịm dần sau phút huy hoàng chạm đáy chân trời... những buổi chiều như vậy giúp lòng người dịu nhẹ đi nhiều. Vậy là ngày hôm đó, lần đầu mình đặt chân đến Tây Nguyên, mảnh đất mà bao lần bà nội muốn mình cùng đồng hành nhưng lỡ hẹn rất nhiều. Nhớ nhà quá rồi...
Ngày thứ 2 ở Tây Nguyên, cả đoàn di chuyển đến thác Draynur, đây lại là một điểm du lịch khác được tập đoàn Đặng Lê (công ty con thuộc tập đoàn cà phê Trung Nguyên) khai thác độc quyền.
Bảng quảng cáo rất bắt mắt của tour thác Draynur
Đường đi vào vẫn còn thô sơ, ngồi xe oto nhưng cả nhóm cũng đc tưng lên xóc xuống mấy chục bận mới tới được nơi này. Ngay lúc này khi đang còn chưa định hình được thác Draynur ở vị trí nào trong khu du lịch thì mình và Tuấn Bill nhanh mắt chộp được một tờ quảng cáo tour thám hiểm khoảng 3 tiếng tại khu vực thác này : tour Biking - trekking - rafting cụm thác Dray Sáp Thượng - Draynur.
Được biết đây là tour du lịch dã ngoại trải nghiệm đầu tiên và duy nhất tại Buôn Mê Thuột - được sự ưu ái và quan tâm rất nhiều từ các du khách mạn phía Bắc. Hào hứng là cảm giác của mình và chú Bill bởi với 2 đứa mình thì hoạt động ngoài trời là hoạt động 2 chị em thích nhất. Nhìn tổng quan của cuộc hành trình 6km với giá vé 850.000vnd/người bao gồm bảo hiểm và cả ăn trưa, nước uống, cà phê thì giá cả rất xứng đáng với những gì mà chúng mình sẽ được trải nghiệm.
Phong cảnh trong lòng thác mùa khô
Với chương trình này, bạn sẽ được đồng hành với một hướng dẫn người Ê Đê, hướng dẫn viên sẽ đạp xe cùng bạn qua 2.5km đường xuyên ngôi làng Ê Đê. Dọc con đường này du khách vừa đạp xe vừa ngắm nhìn những ngôi nhà dài truyền thống, niềm tự hào của mỗi gia đình Ê Đê bởi dân tộc nơi đây vẫn theo chế độ mẫu hệ, người mẹ là trụ cột gia đình, nhà nào càng nhiều con gái thì nhà dài lại càng dài ra, điều đó tiêu biểu cho sức mạnh gia tộc của gia đình đó. Mỗi nhà dài có một cầu thang gỗ bắc lên, cầu thang gỗ trên cùng thể hiện bầu ngực tròn, như một hình thức ca ngợi thiên chức của người phụ nữ cũng như vẻ đẹp hình thể nổi trội trên cơ thể. Với một số người thì văn hoá phồn thực diễn tả chân thực cảnh sinh hoạt, duy trì nòi giống, và những bộ phận cơ thể được thể hiện của văn hoá các đồng bào thiểu số có vẻ khá táo bạo nhưng nếu tìm hiểu sâu thì bạn sẽ hiểu rất nhiều ý nghĩa và tâm ý được truyền tải qua đó.
Thác Gia Long và nhiều dấu tích của vị vua tài hoa còn sót lại
Đường đạp xe khá trơn tru và bằng phẳng, mùa khô của chúng mình đi ngay vào mùa của bướm muồng, dọc đường hàng ngàn vạn cánh bướm be bé đủ màu trắng, vàng xanh cứ dập dìu nương cánh theo chiều gió mà thả mình chao lượn khắp nơi nơi. Các bạn 8-9x từng xem Hoàn Châu Cách Cách có cô phi tần Hàm Hương gọi bướm bu quanh ra sao thì cảnh sắc mùa bướm muồng cũng khiến người hay mơ mộng hồi tưởng. Nhưng giấc mộng không dài, con dốc 8 độ để đi vào thác Gia Long sẽ khiến bạn tiêu tốn nhiều năng lượng cơ bắp hơn là năng lượng tưởng tượng. Chúng mình phải nghỉ đến 5 lần và uống sạch chai nước mới đến đỉnh dốc và đổ dốc sướng cả chân xuống đường vào cụm thác Dray Sáp Thượng.
Thác êm ả vào mùa khô nhưng đổi lại bạn sẽ có một cảm xúc khác biệt
Đậu xe ở ngoài đường vào thác, cặp đầu gối lâu ngày không biết đạp xe là gì của mình trở nên lỏng lẻo như 2 khúc cây không ăn nhập với nhau, mất hơn 10 phút di chuyển với đôi chân mỏi nhừ thì khớp gối của mình mới thải hết acid lactic...
Tại vị trí này là thượng nguồn của con sông hùng vĩ, làn nước xanh ngọc - sông Sê Rê Pôk - tại đây họ gọi chung là cụm thác Dray Sáp Thượng hay còn gọi là thác Gia Long, bởi vị mua nổi tiếng của triều Nguyễn từng đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích (vua Gia Long khá chịu đi chơi, bằng chứng là dấu tích chạy loạn của ông kéo dài xuống tới Hà Tiên. Thực ra tiếng Ê Đê thì Dray Sáp là thác đực (chồng) còn Draynur là thác cái (vợ).
Mùa khô tuy thác không hùng vĩ với lượng nước khổng lồ ồ ạt tuôn trào nhưng vẻ đẹp của thác sẽ có phần hiền hoà và thân thiện hơn với tầm sức của con người. Đứng trên mỏm đá nhìn xuống thác Gia Long hùng vĩ vô cùng, đêm ngày tuôn ra dòng nước mát từ khe đá cung cấp nước cho một tỉnh rộng lớn. Lần đầu mình thực sự đứng trước thượng nguồn - nơi bắt đầu - của một dòng sông hùng vĩ cung cấp nguồn sống cho hàng ngàn vạn sinh linh trong vùng. Không chỉ yêu thiên nhiên, mình luôn dành một sự tín cẩn kính trọng với mẹ thiên nhiên bởi chúng ta ở đây là nhờ ơn sức thiên nhiên dốc lòng ban tặng, tại nơi này không tránh được cảm xúc bồi hồi khi tận mắt ngắm nhìn được một phần uy lực của mẹ thiên nhiên. Sau đoạn nhảy cóc qua các bờ đá cuội khổng lồ chúng mình xuống tới một ghềnh nước khá êm, ở đó một chiếc thuyền phao dùng vượt ghềnh đã chờ sẵn với người chèo. Tại đoạn đường này chúng mình sẽ tham gia Rafting tức thả thuyền/bè trôi theo ghềnh nước.
Hành trình lên thác xuống ghềnh đúng nghĩa!
Trôi một chút theo hướng của đàn bướm muồng thì cả 2 đứa mình bắt đầu công cuộc trekking, tuy gọi là trek nhưng đoạn đường chỉ khoảng 500m. Lý do duy nhất để chúng ta thực hiện đoạn trek này là để xem sự kỳ ảo của thiên nhiên : nơi đây xưa kia đã từng có một miệng núi lửa hoạt động khá mạnh, do nham thạch tuôn ra từ các vết nứt chảy xuống sông Sê Rê Pôk và gặp nước bắt đầu đông cứng lại đột ngột. Thế nên ở khu vực này chúng ta bắt gặp những vỉa nham thạch hình lục lăng như ghành đá dĩa Phú Yên. Đặc biệt hơn ở một thể đông cứng khác của nham thạch do gặp tác động bước sóng của nước sông nên nham thạch ở bờ trên gần thác Trinh Nữ lại trông như một tảng hoá thạch khổng lồ của một gốc cây đại thụ đã gục xuống từ ngàn năm hoá thành nền đá. Nhìn kỹ những vệt đá như ai cắt dũa phẳng phiu và chất đều lên nhau tạo nên lớp vảy đủ màu sắc. Trông xa chẳng khác một tấm thạch mộc vĩ đại xù xì.
Lớp đá nham thạch như khúc thân gỗ xù xì khổng lồ
Con thuyền phao buông theo dòng nước với tốc độ trung bình do đây là mùa khô, tuy là mùa khô nhưng bù lại nước sẽ trong hơn, xanh hơn, cây cối sẽ lộ rõ từng tán rừng riêng biệt độc đáo hơn bởi rừng Tây Nguyên không bao giờ trụi lá, chỉ những tán cây ở tầm cao thay lá trơ trụi như một giàn khoan treo mắc khoảng xanh phía dưới vẫn rập rạp nhờ vào nguồn nước dồi dào. Đến thác Trinh Nữ, mình và Bill được nhảy ùm xuống làn nước mát, ở đây thác chảy không cao và tạo thành một hồ nước xanh mát an toàn phía dưới rộng chừng 80m2 không bóng người. Chỉ có tiếng thác của đại ngàn ầm ào hoà với cảnh vật tách biệt hoàn toàn của cuộc sống hàng ngày : ngày hôm đó mình và chú Bill có một cuộc dạo chơi khá thú vị, cả hai chúng mình bỏ lại tất cả các thiết bị giải trí, điện tử ở lại và chỉ đến đây để chơi! Tới tận lúc này mình vẫn không biết bao giờ mới có thể trở lại Buôn Mê để thả mình trong thiên nhiên tươi đẹp như vậy mà quên hết mọi nỗi niềm trong cuộc sống.
Thác Trinh Nữ cực thích hợp để giải nhiệt mùa hạ
Rời thác Trinh Nữ, thuyền phao xuôi xuống đoạn đầu nguồn của sông Sê Rê Pôk, do mùa khô nên dòng nước hiền hoà và mát rượi, để mình diễn tả cho mấy bạn nghe chữ "mát rượi" nhen : là loại mát sảng khoái mà bạn cảm nhận được từ trong ra ngoài, làn nước nơi đây không quá lạnh, vừa đủ mát và ngọt, ngọt đúng nghĩa của tiếng gọi "nước ngọt đầu nguồn", trầm mình thư giãn thả trôi cơ thể thì cảm giác cái sự sảng khoái đó nó lan toả gột rửa mọi lo toan từ trong ra ngoài, từ tinh thần tới thể chất.
Sau khi tự tay mình và cậu Bill chèo hì hục trôi qua mấy đoạn ghềnh mà chắc chắn mùa nước lớn sẽ là một trải nghiệm ú tim cho mọi người, mình mặc áo phao nhảy ùm xuống làn nước trong xanh bơi lội theo thuyền tới tận thác Thuỷ Tiên :) đây là một thác nhỏ nằm cạnh bóng cây Si râm mát, dù mùa mưa nhưng rễ si luôn đâm trắng toát bởi nguồn nước dồi dào từ thác chảy ra.
Thác Thuỷ Tiên nhẹ nhàng
Chơi thác đã đời mình và Bill cứ thế thả người trôi theo con nước trong xanh mát mẻ đến chỗ ăn dặm. Ngay kế dòng sông, trên bãi đá phẳng tự nhiên mình và Bill ăn khoai lang nướng và uống nước giải khát. Trò chuyện thêm về nơi này thì mình biết được thêm hiện tập đoàn Đặng Lê đã bắt đầu chú ý đầu tư hơn bởi tiếng vang của dịch vụ nơi này đã đến tai nhiều du khách và được hưởng ứng nhiệt tình, và nghe câu chuyện của những anh hướng dẫn những ngày đầu bắt tay vào khảo sát tour đã mặc áo phao trôi tận thượng nguồn xuống như thế nào. Dùng buổi ăn dặm ngoài trời xong chúng mình tiếp tục xuôi dòng ngắm mây, ngắm trời, ngắm bướm muồng hoà sắc trên nền trời xanh thẳm với những đám mây hình thù đa dạng. Thế giới này đẹp hơn chúng ta nghĩ quá nhiều :)
Đến gần đầu ngọn con thác Draysur thì cũng là điểm cuối của chuyến du ngoạn, mình và cả đoàn thưởng thức bữa cơm tuyệt vời ngay tại khu du lịch. Chúng mình cũng khá thấm mệt nhưng niềm vui khi được khám phá một vùng đất hoàn toàn mới lạ khiến ai cũng vui vẻ.
Thoả thích bơi lội trong lòng Sê Rê Pôk
Do đây là điểm giao của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông với ranh giới tự nhiên là đong Sê Rê Pốk nên sau khi rời Đắk Lắk chúng mình xuôi về Đắk Nông để thăm hồ Lak. Một trong những hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam chỉ sau hồ Ba Bể. Hồ rất rộng và thích hợp cho việc ngắm hoàng hôn, hoàng hôn ở núi rừng nơi đây có một cảm hứng rất hoang dã cứ làm tim mình đập rộn ràng đầy hào hứng mỗi khi giơ điện thoại lên chỉ cho đức ông chồng ở phương xa mình sẽ cùng anh đi đến chỗ này chỗ kia của Tây Nguyên để tận hưởng thiên nhiên kỳ thú nơi này. Tiếc rằng chiều đã muộn, nắng cũng tắt rất nhanh nên mình đã lỡ hẹn một lần với chuyến đò ngang hồ Lak. Lần sau phải tự chính tay mình chèo ngang dọc nơi đây mới thoả hết cái tình yêu cho sông nước... thời gian như dài ra ở về cuối hành trình... bởi có muốn nhanh, muốn gấp gáp cũng là điều không thể, không khí và cuộc sống trầm lặng êm ái của một buôn làng trên cao nguyên phố luôn vậy : chậm!
Hoàng hôn hồ Lak
Tới đây cuộc hành trình khám phá đất mẹ đã về hồi kết, mọi người ai cũng bắt đầu ấp ủ những chuyến đi sắp đến ở tương lai gần... chúng mình gặp nhau trên hành trình này có thể nói không khó và cũng chẳng dễ chia tay nhau. Những người bạn đường xa lạ cùng ngồi trên một chuyến xe ngắm nhìn tổ quốc, học hỏi và thu hái những thành quả cá nhân riêng biệt nhưng từ những người bạn mới, những sắc thái mới này mình cũng vô thức học thêm nhiều điều hay và thêm yêu cuộc sống. Mình vui khi chuyến đi kết thúc bởi khi trở về mình là ai, câu chuyện của mình có thể giúp ích cho những người khác điều gì lại chính là một hành trình mới, hành trình khám phá bản thân và suy nghĩ của mình. Mình tin hành trình mới đã bắt đầu với mình rồi, còn bạn thì sao?