(LĐO) - Phiên chợ cũ Đồng Văn đã chỉ còn là ký ức, nhường chỗ cho những hàng quán tấp nập, hiện đại, những quán café “free wifi”.
< Nhà của Pao.
Bởi lẽ vậy mà giờ đây những người trót yêu mến Đồng Văn, thương nhớ cao nguyên đá chỉ còn cách đi tìm lại cảm xúc, kỉ niệm qua từng chặng đường.
Du khách khi đến Đồng Văn thường chọn cách thuê xe máy từ thành phố Hà Giang để tự thử thách mình với những con đường đèo dốc và dừng chân chiêm ngưỡng cho thỏa thích những địa danh nổi tiếng của cao nguyên đá.
Tôi vừa qua khỏi dốc Bắc Sum là đã đến cổng trời Quản Bạ, điểm khởi đầu của con đường hạnh phúc vắt qua những dãy núi dài. Đứng từ cổng trời Quản Bạ có thể nhìn toàn cảnh thị trấn Tam Sơn yên bình và núi Đôi nổi tiếng.
Sau một chặng dài trên xe máy, người ta sẽ muốn tận hưởng cảm giác thư thả khi ngồi ở quán cà phê dưới Cổng trời nhâm nhi một ly trà nóng hổi ngắm nhìn khung cảnh đồi núi bao la. Chủ quán càphê là một chàng trai dân tộc Dao trẻ măng hiền lành, say sưa kể cho bạn nghe về những dự định ấp ủ làm giàu trên chính quê hương mình bằng cách trồng các loài cây dược liệu, làm homestay.
Vừa ra khỏi rừng thông Yên Minh thơ mộng, tôi phải cẩn trọng vượt qua những khoanh dốc uốn cong của dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh. Khoảnh khắc đứng trên những đỉnh dốc xuống nhìn lại con đường đã qua, xuống thị trấn nhỏ bé phía dưới, bạn nhiều khi còn tự hỏi không biết mình đã vượt qua bằng cách nào?
Tôi lần lượt đi qua từng địa danh như Phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là bình yên những nếp nhà của người Mông, người Lô Lô…
< Những dãy núi đá hùng vĩ.
Nếu là người yêu thích những bộ phim lấy bối cảnh từ Hà Giang, bạn hẳn sẽ không thể bỏ qua địa danh "Nhà của Pao" gắn liền với 2 bộ phim Chuyện của Pao và Lặng yên dưới vực sâu. Giữa đá núi trập trùng, ngôi nhà gỗ bốn bề là bờ rào đá và những ruộng cải, vườn hồng như một nét chấm phá lãng mạn.
Năm 2006, bộ phim Chuyện của Pao (chuyển thể từ truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) được quay tại Hà Giang với bối cảnh chính là ngôi nhà ở làng Lũng Cẩm, xã Sủng Là.
Điều đặc biệt chính là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của một cô gái người Mông, phản ánh chân thật cuộc sống, nét văn hóa, tâm hồn của đồng bào người Mông. Ngôi nhà Pao hiện tại đã thay đổi nhiều so với bối cảnh trong phim. Dù vậy, mỗi khi đến đây ấn tượng về những thước phim đẹp, tiếng đàn môi của đêm trăng sáng, hình ảnh Pao ngồi thái rau, xay bột, tựa lưng bên khung cửa lại hiện lên rõ ràng trong tâm tưởng những người yêu mến bộ phim và mảnh đất này.
< Dinh thự nhà họ Vương.
Qua khỏi Nhà của Pao, tôi ghé thăm Dinh thự nhà họ Vương - gắn với câu chuyện về Vương Chính Đức, người duy nhất được đồng bào các dân tộc ở Hà Giang suy tôn là vua Mèo đầu thế kỷ 20.
Mái ngói âm dương, những đế cột chạm khắc bằng bạc Đông Dương, bồn tắm sữa dê làm bằng đá nguyên khối, những khoảng sân nhìn lên bầu trời xanh ngắt… tất cả đều là chứng nhân của lịch sử, đều chứa đựng những câu chuyện thâm trầm cùng thời gian.
Chiều ở Đồng Văn với vẻ đẹp lãng mạn của ánh nắng vàng trên đỉnh núi đã từng đi vào trong những câu hát. Dưới cột cờ Lũng Cú là những bạn trẻ hào hứng chụp ảnh, mấy em bé say mê khám phá bậc thanh, là những người già đứng trang nghiêm, mắt rưng rưng xúc động.
< Chiều biên giới.
Đồng Văn của hôm nay tấp nập hàng quán, âm thanh, ánh sáng thật khó để tìm bóng dáng của chợ phiên cũ, của những chiếc ghế dài, của những chén rượu ngô chếnh choáng, những váy áo rực rỡ sắc màu, ánh mắt mong chờ ngày chợ phiên, của những hoài niệm đầy màu sắc, âm thanh trong trẻo một thời. Nhưng hình ảnh mới ấy vẫn có một sức hấp dẫn lạ lùng.
Tôi chọn ngủ lại Đồng Văn một đêm, thưởng thức món bánh cuốn trứng nổi danh đã lâu, ăn thử chiếc bánh tam giác mạch rồi sáng mai lại vội vã rời đi chinh phục con đèo nổi tiếng nhất trong tứ đại đỉnh đèo - Mã Pí Lèng.
Con đèo được làm nên bởi lòng cảm tử của những công nhân kiên nhẫn đu mình trên vách đá hiểm trở, dùng sức người vượt sức thiên nhiên. Ngày xưa đường chỉ rộng đủ một con ngựa đi qua thì giờ đây đã trở thành tuyến đường huyết mạch với hai làn xe kiên cố nối Đồng Văn và Mèo Vạc.
< Sông Nho Quế xanh màu ngọc bích.
Dù vậy, đây vẫn là thử thách cho cả những tay lái lâu năm lẫn mới vào nghề, khi một bên là vực sâu Tu Sản hun hút, một bên là vách núi cao vời vợi, hết khúc cua này đến khúc cua khác nối tiếp nhau. Đứng từ vị trí cao nhất trên Mã Pí Lèng nhìn xuống, dòng sông Nho Quế xanh màu xanh ngọc bích đúng như chữ cụ Nguyễn Tuân năm xưa dùng để miêu tả về dòng sông Đà.
Đi tiếp một đoạn ngắn đến hết chân đèo rẽ về hướng Xín Cái, bạn sẽ có cơ hội được chạm tay vào nước sông Nho Quế mát lành, rồi tiếp tục ngược lên miền biên giới Thượng Phùng, Săm Pun, Sơn Vĩ hay đi tiếp về Mèo Vạc, Khâu Vai khép lại một cung đường cao nguyên đá hùng vĩ đầy cảm xúc.