(QBĐT) - Không chỉ nổi tiếng với eo Lập Cập, dấu tích của vua Hàm Nghi, mảnh đất Hoá Sơn còn chất chứa trong lòng những điều kỳ thú do thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt là hệ thống hang động Rục Mòn lộng lẫy, ảo diệu làm choáng ngợp những ai lần đầu tiên nhìn thấy.
< Giếng trời trong động Rục Mòn.
Những ngày đầu tháng 7-2015, tình cờ chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông cung cấp thông tin về hệ thống hang động ở thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa).
Qua trò chuyện, người đàn ông đó xưng tên là Đinh Phi Long, người ở xã Hóa Hợp, hiện là bộ đội chuyên nghiệp đang công tác tại tỉnh Bình Thuận. Anh Long bảo, vừa rồi về thăm quê lại nhớ món cá khe nấu lá giang thế là khi anh em rủ vào Hóa Sơn làm cá, thì hăng hái đi liền. Tình cờ đi vào động Rục Mòn, ở đó có dòng nước trong xanh, mát lạnh, còn thạch nhũ thì tráng lệ và kỳ vĩ lắm...
Thế là tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi cùng với các đồng nghiệp ở Đài TT-TH Minh Hóa ngược đường Hồ Chí Minh nhánh đông lên với Hóa Sơn để mục sở thị vẻ đẹp tiềm ẩn của động Rục Mòn theo lời kể mà anh Long đã cung cấp.
Vào Hóa Sơn mùa này không còn khó như thời gian trước vì đã có tuyến đường bê tông vắt mình qua eo Lập Cập vững chãi nâng bước chân khách thập phương để vào miền đất kỳ thú này. Trong ngôi nhà gỗ ba gian, sau khi đã nhấp ly nước chè xanh buổi sáng, ông Cao Thiên Thập, 65 tuổi, ở thôn Đặng Hóa cho hay: động Rục Mòn với dòng sông ngầm đổ ra tận thác Dài thuộc xã Trung Hóa (huyện Minh Hoá), chính vì vậy nhiều năm trước có một đoàn thám hiểm người nước ngoài đã đi ngược từ dưới đó lên.
Khi ra khỏi cửa động, bà con đang làm cỏ lạc ở thôn Tăng Hóa tưởng là biệt kích nên bắt giải về UBND xã. Chỉ đến khi cán bộ và người phiên dịch xuất hiện giải thích mọi người mới biết đó là đoàn thám hiểm đang tìm hiểu, nghiên cứu hệ thống hang động ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Sau khi hỏi thăm đường đi, chúng tôi chia tay ông Thập rồi mang theo lương thực, phương tiện tác nghiệp đi bộ trực chỉ đến Rục Mòn. Men theo những triền đồi lúp xúp cây bụi với quãng đường gần 3km dưới ánh nắng gắt, cả đoàn chúng tôi ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Chỉ đến khi vượt qua con dốc cuối cùng, mọi người đều vỡ òa cảm xúc khi trước mặt là một bình nguyên xanh mướt màu cỏ trải dài vào tận lèn Ông Lăng sừng sững. Tiếp tục lội theo dòng suối cạn một đoạn ngắn, cửa động Rục Mòn đã hiện ra thấp thoáng sau tán rừng lá rộng thường xanh như mời gọi bước chân khám phá.
Thoáng nhìn bên ngoài, cửa động Rục Mòn không khác gì mấy so với động Phong Nha, nhưng ở đây chưa được khai thác du lịch nên vẫn vẹn nguyên nét hoang sơ thuở nào. Án ngữ trước cửa động là những khối đá vôi khổng lồ, cạnh bên là dòng nước trong xanh, cùng với đó là xác cây cổ thụ bật gốc bị nước cuốn trôi mắc kẹt lại càng làm tăng thêm sự kỳ bí.
Bước qua khỏi cửa động Rục Mòn có mái đá chênh chếch, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi sự lộng lẫy của thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, trần hang thì rộng và cao, có chỗ phải gần 30m.
Do kiến tạo của núi đá vôi và sự bào mòn của nước nên đoạn phía ngoài của động Rục Mòn đổ xiên chứ không thẳng đứng như những hang động khác. Cách cửa động khoảng 50m có một giếng trời ăn thông ra sườn núi phía bên ngoài được che kín bởi rừng cây xanh mát.
Để lên được giếng trời, phải vượt khoảng cách gần 100m trên những phiến đá tai mèo sắc lẹm và đi qua một khối thạch nhũ khổng lồ có lẽ đã được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm. Lên được ở đây mới thấy được sự tráng lệ và kỳ vĩ của động Rục Mòn, những thân cây cổ thụ bị nước lũ cuốn vào hang, những thành viên trong đoàn trở nên nhỏ bé trước kiến tạo của thiên nhiên.
Muốn vào sâu hơn trong động phải bơi qua một đoạn sông ngầm dài khoảng 30m, vượt qua trở ngại này, Rục Mòn lại tiếp tục mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm bất ngờ thú vị. Đó là hàng trăm ngàn viên đá cuội lớn nhỏ nằm lăn lóc trải dài trên quãng đường hơn 100m, rồi tiếng nước chảy róc rách, tiếng thác đổ ầm ầm vang dội càng làm tăng thêm sự huyền bí của động Rục Mòn. Càng tiến dần vào bên trong càng thiếu ánh sáng nhưng với những chiếc đèn pin mang theo, chúng tôi lần theo dòng nước cạn để tiếp tục hành trình khám phá của mình.
Qua ánh đèn, từng khối thạch nhũ dần hiện ra đẹp như tranh vẽ, nếu so sánh với động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường... thì động Rục Mòn không hề thua kém bởi những nét riêng mê hoặc. Điều thú vị là giữa dòng nước ngầm trong động lại nổi lên một bãi cát và khối thạch nhũ khổng lồ, tròn trịa, mang sắc vàng óng ánh, mê hoặc. Muốn vào sâu hơn nữa để kiếm tìm điều kỳ thú nhưng do không có các thiết bị chuyên dùng, nên mọi người đành tiếc nuối trở ra khi nắng quái chiều hôm đã trải lên những khoảnh rừng kéo dài từ lèn Ông Lăng cho đến hung Cá Bòi.
Tình cờ gặp chúng tôi bên ven đường, ông Cao Ngọc Chuẩn, 61 tuổi, ở thôn Tăng Hóa cho hay: động Rục Làn có tự bao giờ ngay cả những người lớn tuổi nhất cũng không rõ ngọn nguồn, nhưng thời bao cấp bà con thường vào hang lấy phân dơi về trồng cây, hiện nay người quanh vùng tìm đến bắt cá vì trong đó có loài cá chình, gáy, cồ thịt rất thơm ngon. Hôm may mắn có người còn bắt được 20-30kg cá, trong đó có những con cá chình lớn cân nặng khoảng 5-6kg. Nếu đi liên tục cho hết động Rục Mòn thì mất khoảng 4-5 tiếng đồng hồ.
Trước đây đã có nhiều đoàn đến tham quan, có cả người nước ngoài nữa. Nghe tin động Tú Làn ở xã Tân Hóa thu hút rất nhiều du khách nên bà con ở đây rất muốn doanh nghiệp vào đầu tư khai thác du lịch để phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống.
Do kiến tạo độc đáo của địa chất nên huyện Minh Hóa nói chung và xã Hóa Sơn nói riêng được bao bọc bởi các hệ thống núi đá vôi hình thành cách đây hàng trăm triệu năm. Ẩn chứa trong đó rất nhiều điều kỳ thú của thiên nhiên cần được khám phá, nhất là để phát triển các tour trải nghiệm hang động mạo hiểm, sinh thái... khi du lịch đang được chọn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.