(BCT) - Cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 40km, cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) thu hút du khách với những vườn trái cây trĩu quả, những ngôi nhà cổ kính và nếp sống thân tình, mộc mạc của người dân Tây Nam bộ. Về cù lao, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị của “Hòn đảo ngọt” đang trên đà phát triển du lịch.
Từ quốc lộ 91, qua đò Thuận Hưng, cù lao Tân Lộc thấp thoáng màu xanh của những vườn cây, khung cảnh làng quê thanh bình, từng cơn gió mát rượi mang đến cảm giác thư thái.
Cù lao Tân Lộc nằm ở vị trí giáp ranh ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ; là dải đất nổi lên giữa sông Hậu được bồi lắng bởi phù sa cát từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về; nên còn có tên gọi khác là Sa Châu (cù lao cát).
Khi mới hình thành, cù lao toàn lau sậy, người đến khai hoang chủ yếu sống bằng nghề cào hến, vẹm, bắt ốc gạo, bung bung chang chang (còn gọi là trai sông, được xem là đặc sản). Đất cù lao còn có nhiều tên gọi gắn với từng quá trình phát triển. Những năm 1970 - 1980, nơi đây phổ biến nghề trồng mía, nấu đường và nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Quê ta có hòn đảo ngọt” trong một lần ghé cù lao Tân Lộc. Tên gọi “Hòn đảo ngọt” xuất phát từ đó. Sau này, nhiều người dân chuyển hướng thả bè nuôi cá, cù lao lại có tên “Làng cá”. Ngày nay, cù lao Tân Lộc với diện tích hơn 3.200ha, đất phù sa màu mỡ, phát triển nhiều vườn cây ăn trái kết hợp làm du lịch.
Một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến xứ cù lao là vườn ổi của cô Lê Hồng Điệp, rộng khoảng 4.000m2, trồng theo công nghệ sạch, trái ổi chín no tròn, căng bóng và rất ngọt. Men theo những con đường nhỏ, khách có thể hái ổi và thưởng thức tại chỗ. Cô Điệp cho biết: “Trái đã được bao bọc từ nhỏ nên khách có thể tháo vỏ bọc và ăn luôn, vì tôi trồng ổi không dùng hóa chất, chăm sóc thủ công”.
Hầu hết các nhà vườn trên đất cù lao đều bao bọc trái cây cẩn thận. Đất phù sa lại nhiều dinh dưỡng nên cây trái ở đây luôn ngon, ngọt. Cách nhà cô Điệp vài cây số là vườn của ông Đỗ Trung Ngôn cũng mới phục vụ du lịch vào tháng 4 năm nay.
Với diện tích 3ha, vườn nhà ông Ngôn có cam, chôm chôm, dâu…, đặc biệt có các mương ao nuôi cá rất lớn để du khách câu cá, bơi ghe dọc các liếp vườn. Với chôm chôm là cây chủ lực, vườn trái cây nhà ông Đỗ Trung Ngôn chín rộ vào tháng 5, tháng 6; đúng ngay dịp Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc. Hiện, du khách có thể tham quan vườn cam, câu cá, bơi ghe hoặc cho cá ăn...
Trong khi đó, vườn dừa ông Lê Tấn Nhường lại khiến du khách có cảm giác như lạc vào xứ dừa Bến Tre với những cây dừa thẳng tắp, nghiêng mình bên dòng kênh. Vườn dừa có diện tích 7,5 công đất, với 550 gốc dừa xiêm, dừa lửa, dừa dứa...
Sau một vòng khám phá xứ cù lao, tại vườn dừa này du khách có thể mắc võng tận hưởng không gian trong lành, thưởng thức những trái dừa ngọt lịm. Ở những con kênh nhỏ được đào xen với các bờ dừa, du khách thư thả bơi ghe dạo quanh ngắm cảnh, chụp ảnh.
Một trải nghiệm hấp dẫn khác ở cù lao là khám phá hệ thống nhà cổ. Cù lao Tân Lộc có 12 ngôi nhà cổ, nhưng chỉ còn vài căn nguyên vẹn. Nổi bật trong số này là nhà ông Trần Bá Thế, thường gọi là ông Sáu Thế. Ngôi nhà do ông Hội đồng Trần Thiên Thoại (Long Xuyên) - thân phụ ông Trần Bá Thế xây dựng và hoàn thành năm 1935.
Qua bao thế hệ, ngôi nhà vẫn còn nguyên kiến trúc Đông Tây kết hợp, ba gian hai chái, hình vuông. Tường của toàn bộ ngôi nhà được xây bởi hai lớp gạch tiểu, tạo không gian mát mẻ. Mặt tiền nhà được xây theo phong cách phương Tây, có hàng cột đỡ mái với hoa văn tinh xảo. Nhà ông tựa như “bảo tàng cổ vật” thu nhỏ: trần có treo những chiếc đèn lồng bằng gỗ theo phong cách Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đèn măng-sông, đèn dầu Hoa Kỳ ở những năm đầu thế kỷ XX; bàn ghế, chén dĩa, bình hoa được chạm khắc tinh xảo… Bước ra sân, du khách cảm nhận được nét đẹp của vườn cây cổ: cây cà dăm trên 200 tuổi, hàng khế với tuổi đời trên 50 năm… Phía sau nhà là hồ nước rộng thích hợp để du khách nghỉ ngơi, câu cá giải trí.
Ngoài nhà cổ của ông Sáu Thế, Tân Lộc còn nhiều ngôi nhà cổ khác như nhà ông Nguyễn Văn Tị, ông Nguyễn Văn Thi, ông Huỳnh Quang Quế…. Mỗi ngôi nhà là nét độc đáo riêng, chỉ có tận mắt chứng kiến du khách mới cảm nhận hết nét cổ kính và vẻ đẹp kiến trúc của những công trình. Qua câu chuyện kể của chủ nhân, khách sẽ hiểu hơn về văn hóa, lối sống của người Nam bộ xưa.
Về cù lao, nhất là mùa trái cây, du khách có thể thỏa thích thưởng thức các trái cây đặc sản: xoài, mận, chôm chôm, nhãn, ổi lê... Chỉ cần với tay là có thể hái trái, tận hưởng không gian yên bình của làng quê với khí hậu trong lành.