(LĐO) - Vào những năm 1980, ở Lâm Đồng vẫn thường xuyên xảy ra các đợt dịch bệnh lan rộng như sốt rét, dịch hạch, tả, lỵ... Các y bác sĩ đi chống dịch có lúc phải vượt hàng trăm cây số đường rừng để chữa bệnh cho bà con. Cũng vào những năm ấy, lực lượng phản động FULRO ở Tây Nguyên vẫn còn hoạt động rất mạnh.
FULRO chủ trương tấn công các đoàn y tế để cướp thuốc tây về dùng. Bởi ở thời điểm khó khăn đó, chỉ có những đoàn chống dịch mới mang theo thuốc tây, vốn được UNICEF viện trợ. Có những y bác sĩ đã phải bỏ lại máu xương nơi rừng thiêng nước độc.
Chuyến xe định mệnh
Trên con đường dẫn vào xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), có 1 địa danh người địa phương gọi là Cổng trời (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương). Trong 1 chuyến công tác vào xã Đưng K’Nớ, dù rất vội vã, BS Nguyễn Văn Hòa (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương) và bà Mai Thị Hồng Khánh (Chủ tịch Công đoàn ngành y tế tỉnh Lâm Đồng) vẫn xin cả đoàn dừng lại ở dốc Cổng trời. Nơi đây, giữa rừng thông bạt ngàn, có 1 chiếc bia tưởng niệm bằng đá được dựng lên, khắc tên tuổi và quê quán của 9 người. Đoàn xuống xe, quét dọn xung quanh bia đá, kính cẩn thắp lên những nén hương.
Sau này, có dịp, bà Mai Thị Hồng Khánh kể lại, đây là tấm bia tưởng niệm do Công đoàn ngành y tế đóng góp, xây dựng vào năm 2011 để tưởng nhớ 9 bác sĩ, y sĩ và lái xe đã hi sinh vào năm 1980, khi đang trên đường đi chống dịch ở khu vực Đầm Ròn (nay là 3 xã thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Chuyến đi đó có 12 người, bao gồm 10 y sĩ, bác sĩ của huyện Lạc Dương, 2 giao liên của bưu điện tỉnh thì chỉ còn 1 người sống sót. Nhờ BS Nguyễn Văn Hòa, tôi liên hệ được với ông Lê Văn Đường - người sống sót duy nhất trên chuyến xe định mệnh năm đó.
Ông Đường đang sống cùng gia đình ở TP.Đà Lạt. Nhiều năm qua, ông không còn làm việc trong ngành y nữa. Ông về hưu trước tuổi vào năm 1988 do mất sức với thương tật 4/4, sau 8 năm xảy ra sự kiện đó. Ban đầu, ông từ chối gặp phóng viên. Vài ngày sau, không biết vì lý do gì, ông đổi ý và kể lại chuyến đi đó. Người đàn ông 63 tuổi dường như không một chút khó khăn khi hồi tưởng lại ký ức cách đây 38 năm. Ông vẫn còn nhớ rất rõ đó là ngày 21 tháng 8 năm 1980.
Trước đó, Trung tâm y tế huyện Lạc Dương nhận được 1 giấy báo dịch ở khu vực Đầm Ròn (thời điểm đó còn thuộc huyện Lạc Dương - PV). Trung tâm đã báo lên Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và thành lập đoàn chống dịch, bao gồm người của trạm sốt rét và trạm phòng dịch. Khi ấy, ông Đường đang làm kỹ thuật viên, tổ phó tổ côn trùng ở trạm sốt rét (ngày nay, trạm sốt rét và phòng chống dịch gộp chung thành Trung tâm y tế dự phòng - PV).
Sáng sớm ngày 21.8.1980 đoàn xuất phát với cơ số thuốc mang theo, vào vùng dịch làm nhiệm vụ. Trên xe có tổng cộng 12 người, bao gồm 2 giao liên thuộc bưu điện tỉnh, 5 người ở trạm sốt rét và 5 người ở trạm phòng dịch. Xe đi chống dịch là chiếc Toyota mui bạt của Nhật, mới được UNICEF viện trợ nửa tháng: “Hồi đó vẫn còn bao cấp nên khó khăn lắm. Sáng, tôi dậy sớm rang 1 bịch bắp rang thật to. Khi lên xe, tôi phát cho anh em mỗi người 1 nắm để nhai cho đỡ đói”. - Ông Đường hồi tưởng lại.
Trên đường đi, đoàn xe chống dịch gặp 1 xe lâm nghiệp đi cùng hướng. Nhưng đến ngã 3, xe lâm nghiệp rẽ phải, sang hướng đi Suối Vàng. Đoàn xe chống dịch tiếp tục đi theo hướng về Đầm Ròn. Tới dốc Cổng trời, bất ngờ súng nổ dội vào taluy 2 bên đường. “Nghe tiếng súng chắp chắp, tôi nghĩ bụng, ai bắn gì kì vậy? Lúc đó, tôi và BS Nguyễn Phú Cường đang ngồi trên bửng xe, thấy mui xe đã thủng rất nhiều lỗ, anh em trong xe trúng đạn la lên, tôi đinh ninh chắc chắn là bọn FULRO tổ chức bắn để cướp thuốc rồi”.
Giây phút sinh tử
Ông Đường kể lại, trong giây phút hoảng loạn đó, ông Đường tuột nhẹ xuống khỏi mui xe và trườn dọc theo chiếc xe. Xe lái được vài mét nữa thì dừng lại, tách khỏi ông 3 mét. Ông nằm sát vào taluy và thấy y sĩ Nguyễn Đình Giao cũng đã rút xuống xe, nằm sát mình. Nhưng người anh ông Giao đầy máu, có vẻ bị thương rất nặng do trúng 1 viên M79 vào hông
Tiếng súng kéo dài khoảng 15 phút thì xe đột ngột bốc cháy. “Giây phút đó, tôi thấy anh Vũ Công Thìn văng ra khỏi xe, rớt ngay xuống chân tôi. Cả người anh bốc cháy ngùn ngụt. Cả đời tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh ấy”. Sau khi xe bốc cháy, phải 10 phút sau tiếng súng ngưng, ông Đường mới biết người anh em của mình - ông Giao còn sống: “Anh nằm dưới chân tôi, gọi Đường, Đường, mày có sao không? Tao bị thương rồi. Mày đi được không? Mày ra xe lâm nghiệp gặp lúc sáng tìm người ta, chứ mày nằm ở đây vài tháng trời mới có người qua lại chắc mày chết đó Đường ơi”.
Lúc này, ông Đường nhìn xuống chân mình, thấy máu cháy khắp người, cảm giác đau đớn nhưng chưa biết mình trúng đạn chỗ nào: “Tôi cố đứng dậy, vẫn thấy mình đi được. Nhưng tôi chết lặng khi thấy anh em người thì cháy đen, người nằm dưới đất, người rớt trên mui xe. Mặc dù xe bốc cháy, nhưng nghe mùi máu, ruồi từ khắp rừng già vẫn bay tới, bu đông đen. Trong miệng anh em vẫn còn ngậm bắp rang hồi sáng tôi mới phát.” - Ông Đường phải dừng câu chuyện lại để lau gương mặt đầm đìa nước mắt.
Sau giây phút khủng khiếp đó, ông Đường cố đi bộ ra ngã 3 để tìm trại của đội lâm nghiệp. Ông lần vào hướng Suối Vàng, được khoảng 200 mét thì thấy đội lâm nghiệp cắm trại ở đó. Ông chỉ thốt lên 1 câu “cứu anh Giao” rồi ngất xỉu.
Lúc tỉnh lại, ông thấy mình đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ đếm được trên người ông có 11 vết đạn cả thảy. Còn y sĩ Nguyễn Đình Giao đã mất khi xe tới ngã 3 Tùng Lâm - cách bệnh viện 13 cây số: “Chỗ xảy ra tai nạn cách bệnh viện khoảng 30 cây, nhưng hồi đó đường rừng, xe lâm nghiệp đi từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều mới tới nơi. Nếu đường thuận lợi như bây giờ, chắc anh Giao còn sống.” - Ông Đường nghẹn ngào.
Ngàn năm bia miệng
Trên chuyến xe năm ấy, nhiều y bác sĩ hi sinh còn rất trẻ, chưa có gia đình như BS Nga Ra Đôn, BS Vũ Công Thìn, y sĩ Trần Mạnh Canh, y sĩ K’ Téo, y tá Nguyễn Văn Quang, y sĩ Phan Văn Hoàn. Ông Đường cho biết, sau khi hi sinh, những “liệt sĩ ngành y” được đem về chôn cất trên đồi 3 cây ở Tùng Lâm, về sau mới dời về nghĩa trang liệt sĩ. Sau này, chỉ có BS Nguyễn Phú Cường và BS Vũ Công Thìn được gia đình vào mang về quê chôn cất: “Bao nhiêu năm qua, tôi chưa 1 lần nằm mơ thấy anh em. Có lẽ, tại vì những hình ảnh ngày hôm ấy đã hiện rõ mồn một trong trí nhớ của tôi, hiện ra ngay lúc tôi thức, không phai nhòa chút nào sau gần 40 năm trời. Nhớ đến hình ảnh đến lúc chết, trong miệng anh em vẫn còn nhai bắp rang, tôi lại khóc”.
Ông Đường kể rằng, thời gian những năm 1980, đó không phải là lần duy nhất đoàn chống dịch bị FULRO tấn công. Trước và sau chuyên đi đó, ông và các y bác sĩ trong những đoàn khác cũng từng bị FULRO tập kích để cướp thuốc. Một lần ở Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), một ở khác ở dốc Lan Anh, TP.Đà Lạt, một lần ở khu vực Đầm Ròn: “Thời đó, biết là hiểm nguy nhưng anh em chẳng ai tị nạnh gì cả. Có dịch, được điều động là đi thôi, đến nơi bà con cần mình”.
Cuối câu chuyện, ông Đường mới nói lý do vì sao ông chịu gặp tôi và chia sẻ câu chuyện này: “Tôi định không nhắc lại nỗi đau cũ. Nhưng nghĩ thương anh em, nhiều người làm trong ngành y ở Lâm Đồng cũng không biết câu chuyện này. Ngàn năm bia miệng mà, thôi thì tôi kể để người ta còn nhớ. Và coi như vừa thắp 1 nén tâm hương cho anh em mình nằm xuống”.