Random Posts

header ads

Đình làng Lệ Sơn

(QBĐT) - Đình làng Lệ Sơn nằm trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Trung Làng, ở vị trí trung tâm của xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình. Đình làng là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của làng Lệ Sơn xưa.

< Đình làng Lệ Sơn sau khi được tôn tạo.

Theo gia phả các dòng họ ở làng Lệ Sơn chép lại, hưởng ứng dụ chiêu mộ dân chúng vào khai khẩn, lập ấp ở châu Bố Chính của vua Lê Thánh Tông, năm 1471, trên đường trở về sau khi chinh phạt Chiêm Thành, ông Lê Văn Hành đã ngược dòng Gianh khảo sát các vùng đất hai bên bờ sông. Thấy phong cảnh xứ Cồn Vang sơn thủy hữu tình, đất đai tương đối bằng phẳng, màu mỡ, cây cối tốt tươi, ông Lê Văn Hành đã chọn vùng đất này để khai canh. Cồn Vang lúc bấy giờ là vùng đất hoang sơ, cây cối um tùm, nhiều nhất là cây vang vang. Bởi vậy buổi đầu mới đến đây, các vị tiền hiền khai canh gọi vùng đất này là xứ Cồn Vang.

Sau 10 năm khai canh lập ấp, ông Lê Văn Hành đã lập biểu, bẩm báo triều đình cử người trắc đạc và đặt tên xã. Năm 1482, triều đình cử quan Cai tri châu Bố Chính là Nguyễn Huy Tưởng, tước Lạng Động hầu, quê ở làng Trung Hòa, nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, làm trưởng đoàn giám đạc về xứ Cồn Vang tiến hành trắc lập địa bạ, đinh bạ và thiết lập xã hiệu với tên gọi Lệ Sơn.

Để có nơi tôn nghiêm thờ cúng các vị thần linh, thành hoàng làng, tiên hiền và người có công lao đã bao bọc, chở che, khai canh xóm làng, người dân Lệ Sơn đã đóng góp công sức xây dựng nên ngôi đình. Hiện nay, không có tài liệu nào xác định chính xác thời gian lập đình nhưng rất có thể đình được xây dựng trong khoảng thời gian sau khi hoàn thành việc thiết lập xã hiệu đến trước năm 1757, là năm xây dựng chùa Vĩnh Phúc.

Ban đầu đình làng được dựng ở khu vực trạm y tế xã hiện nay, thuộc thôn Đình Miệu. Đình làng chỉ là một căn nhà gỗ 5 gian làm chủ yếu từ gỗ do nhân dân đóng góp. Đình tọa lạc trên một khu đất có diện tích khoảng 600 m2.

Trận lụt lớn năm Ất Sửu 1865, đình làng bị dòng nước lũ cuốn trôi. Điều kỳ lạ là đình làng bị trôi dạt về khu đất cao ráo, bằng phẳng ở trung tâm của làng, cách chỗ cũ khoảng 300m, thuộc địa phận thôn Trung Làng. Dân làng cho đây là sự linh thiêng, ý của trời đất và các vị thánh thần nên đã tế lễ thần linh, bản thổ cho phép phục dựng lại ngôi đình tại địa điểm hiện nay.

Vào năm 1866, đình làng được trùng tu lần thứ nhất. Đình được xây dựng với quy mô lớn và kết cấu đẹp hơn trước, trong một khuôn viên có diện tích gần 1.000m2. Trong lần trùng tu này đình được xây tường đá kiên cố hơn.


< Phế tích đình làng Lệ Sơn chỉ còn lại 2 trụ cổng.

Đình có kết cấu nhà rường 5 gian, 5 lòng cột, trếnh, kèo đều làm bằng gỗ mít, gỗ lim. Khi việc trùng tu đình làng hoàn thành, cố Lê Huy Tuân, một người con của làng Lệ Sơn đỗ cử nhân khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), lúc đó đang giữ chức Án sát tỉnh Ninh Bình đã tiến cúng một cái trống đại và một bức hoành phi. Trống đại có đường kính 0,8m, tang trống dài 1,2m. Còn bức hoành phi xung quanh được chạm hoa văn trang trí, ở giữa chạm nổi 4 chữ lớn “Vạn phúc du đồng”, nghĩa là “Vạn sự tốt lành luôn đồng hành”.
Bên phải có ghi thời gian cúng tiến “Hoàng triều Tự Đức Bính Dần xuân”, nghĩa là triều vua Tự Đức mùa xuân năm Bính Dần (1866). Bên trái là câu “Ninh Bình hộ phủ lãnh án sát sứ Lê Huy Tuân cung khắc”, nghĩa là Án sát sứ Lê Huy Tuân cung kính khắc. Bức hoành phi và chiếc trống trở thành một trong những cổ vật rất có giá trị còn lại của đình làng Lệ Sơn, được cất giữ tại UBND xã.

Theo tài liệu chép tay “Làng Cả Lệ Sơn” của cụ Trần Quyến, đến năm 1924, khi đình làng bị xuống cấp nghiêm trọng, Hội đồng kỳ mục của làng đã thống nhất huy động sự đóng góp nhân dân để trùng tu đình lần thứ hai (2). Người góp của, kẻ góp trí, góp công phục dựng đình làng khang trang hơn. Cố Lê Bính, hậu duệ thứ 12 của cố Lê Văn Hành, nguyên là Đốc học Quảng Ngãi từ quan về quê mở trường dạy học và cũng là vị Tiên chỉ của làng lúc bấy giờ được dân làng tin tưởng giao trọng trách đứng ra chủ trì việc trùng tu đình lần thứ hai.

Đình được trùng tu với quy mô rộng lớn hơn lần trước trên diện tích khoảng 2.000m2. Xung quanh đình có tường cao bao bọc. Mặt trước đình nhìn về hướng nam lấy lèn Thần Vì làm tiền án, phía sau và cách đình khoảng 200m là sông Gianh uốn khúc làm thanh long, xa xa lèn Đứt Chân làm bạch hổ. Trước cổng đình là một ao rộng khoảng 700m2 được trồng sen, kế tiếp ao sen là con đường dọc chạy qua cổng đình.

Cổng đình không có cửa. Cổng rộng 2,7 m, hai trụ cổng là hai cột nanh cao 6m, trên đỉnh là hai con nghê chụm đầu vào nhau. Chân cột nanh vuông cạnh 0,9m, phía trước khảm câu đối bằng sành do cố Lê Bính thủ bút:
Khí tác sơn hà công minh chính trực nhi nhất
Đức hợp thượng hạ cao minh bác hậu vô cương.

Nghĩa là: Giữa vũ trụ dựng xây đất nước công minh như một/Đức hợp trên dưới, không phân biệt tài học rộng vô cùng.

Đình có kết cấu gồm hai hồi lang ở hai phía tây bắc và đông nam, giữa là đình trung 5 gian chia thành hai phần gồm đình tiền và đình hậu. Nền đình được láng xi măng trơn bóng. Khu vực đình tiền khá rộng nối liền cả 5 gian thông nhau, không ngăn cách được trải chiếu là nơi lễ bái, dọn tiệc và hội họp của quan viên. Hồi lang ở hai đầu là nơi để giá treo mũ áo, dù lọng của quan viên.

Đình trung 5 gian rộng, vì kèo kết cấu theo lối 5 lòng kiểu nhà rường, các đầu đao uốn lên, đầu mái có độ cong khá lớn và được trang trí hình rồng cuộn, mây vờn. Vật liệu làm đình phần lớn là gỗ lim và gỗ mít. Cột đình gồm 8 cột cái đường kính chân cột khoảng 0,7m, 8 cột con đường kính chân cột khoảng 0,4m và 4 cột cù đường kính khoảng 0,25m. Băng, xà, kèo làm đình đều chạm trổ long, ly, quy, phượng, đòn tay chạm cuốn thư, bầu rượu, đai kiếm, cung đàn một cách sắc sảo, đường nét thanh thoát.

Các nghệ nhân đã hóa thân, thổi hồn vào các khối gỗ thành các tác phẩm tạo hình độc đáo như hoa lá, mây trời, rồng phượng, các con thú và các cảnh hoạt động của con người như làm ruộng, người uống trà, các trò chơi dân gian… . Các kiến trúc gỗ trong đình thực sự là những tác phẩm chạm khắc tinh xảo với nhiều đề tài phong phú tứ thời xuân hạ thu đông, tứ linh long ly quy phượng….

Khu vực hậu đình có mái cong vòm cuốn lộng lẫy với các hình rồng chầu, phượng múa. Hậu đình là nơi thâm nghiêm đặt tượng thờ, vò hương, bài vị và sắc phong của các vị thần. Hậu đình được xây ban thờ nhiều cấp. Ở bậc trên hết thờ các thiên thần gồm Thiên thần tế giám gồm Tiên thiên Thần nông Hoàng đế, Đại càn Quốc gia Nam hải, Cao các Mạc sơn.

Bậc kế tiếp thờ các nhân thần, đặt vò hương kèm bài vị các nhân thần như Tiên thánh Khổng tử, Tứ thánh Khuông quốc, liệt vị Hậu thần tế giám và nhân thần tế giám gồm Đức ông Bản thổ Thành hoàng Nguyễn Huy Tưởng, Hoa Quận công, Chấn Quận công, Trà Quận công và Hiền Quận công, Đức ông Mạnh Linh, Đức ông Mậu Tươi, các vị Tiên hiền khai canh ông Lê Văn Hành, hậu hiền khai canh là thuỷ tổ tám họ lớn của làng.

< Toàn cảnh đình làng Lệ Sơn sau khi phục dựng.

Bậc kế tiếp là nơi đặt cờ, lọng, mâu kiếm, long đao và các sắc phong của triều đình cho các vị thần Thành hoàng làng, tiền khai canh, hậu khai canh; các nhân vật khoa bảng đỗ đạt làm quan to được triều đình sắc phong và giao cho cho làng cúng tế... .

Là một thực thể văn hóa, đình làng Lệ Sơn còn là trụ sở hành chính, nơi làm việc của quan viên, Hội đồng kỳ mục, chức dịch của làng như khao vọng, xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, từ thu tô thuế… .Không những vậy đình còn là không gian sinh hoạt văn hóa của làng. Nét tiêu biểu trong các hoạt động văn hóa ở đình làng đó chính là lễ hội. Đình là nơi tổ chức hội làng hay còn gọi là lễ tế lục ngoạt ba năm một lần vào dịp rằm tháng sáu âm lịch.

Ngoài ra tại đình còn tổ chức các lễ hội như lễ báo cốc, hay còn gọi là lễ báo cơm mới vào vụ chiêm, lễ Thượng điền sau khi thu hoạch vụ mười, lễ Hạ điền tổ chức vào ngày mùng một tháng 11 âm lịch. Sân đình cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát ca trù, trò đánh cờ người, đấu roi… vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Khi có người thi cử đỗ đạt, hoặc được triều trình bổ dụng làm quan đều đến đình làng làm lễ vinh quy bái tổ.

Bên cạnh đình làng, trên khu đất trường mầm non cũ chính là đình Thánh. Đây là nơi hội Tư văn của làng lập ra để thờ Tiên thánh Nho học Khổng Tử. Đồng thời, đình Thánh còn là nơi để nho sĩ của làng đến cúng tế cầu may trước khi đi thi và tổ chức lễ khao vọng sau khi đỗ đạt.

< Lễ dâng hương tạ ân tổ tiên.

Có thể nói, đình không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp, giá trị văn hóa độc đáo của làng Lệ Sơn. Theo Giáo sư Trần Lâm Biền “Ngoài các chức năng cơ bản là một trụ sở của chính quyền thời quân chủ chuyên chế, là trung tâm văn hóa của làng xã với tính chất ngôi nhà chung… còn là một kiến trúc tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, nó đã mang dấu ấn của sự dung hội về mặt chính trị, xã hội văn hóa giữa chính thể quân chủ với tổ chức làng xã cổ truyền của người Việt”(1).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình làng là nơi hội họp của các tổ chức cách mạng, nơi huấn luyện dân quân tự vệ, phong trào bình dân học vụ. Đặc biệt đây là nơi tổ chức cuộc mít tin lớn của nhân dân toàn xã bàn kế hoạch, thống nhất phương án cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.

< Làng Lệ Sơn được bao bọc bởi các dãy núi, có phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Năm 1968, đình làng Lệ Sơn bị bom Mỹ đánh sập toàn bộ, chỉ còn lại phế tích là đôi trụ biểu và một phần nền đình. Với những giá trị đặc sắc, độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, ngày 14-12-2012, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 3081/QĐ-CT công nhận là đình làng Lệ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Theo nguyện vọng và tâm huyết của đông đảo con em Lệ Sơn, ngày 31-12-2015, UBND xã Văn Hóa đã tổ chức lễ động thổ tôn tạo, phục dựng lại đình làng. Qua gần 2 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành.

Đình làng đã thấm sâu vào tâm thức, trở thành biểu tượng của quê hương và hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn người dân Lệ Sơn. Để rồi mai đây, dẫu đi khắp bốn phương trời nhưng từ trong sâu thẳm mỗi con tim người dân Lệ Sơn vẫn nhắc mãi ký ức về “cây đa, bến nước, sân đình” của những ngày xưa cũ.

Chú thích:
(1) Trần Lâm Biền, Đình làng Việt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017, trang 171
(2) Theo tài liệu chép tay của cụ Trần Quyến, Làng cả Lệ Sơn, 2005, tr 33